Điều gì thúc đẩy Iran và Nga liên kết các hệ thống ngân hàng?

Với việc thông báo rằng Iran và Nga đã thực hiện một bước quan trọng trong việc liên kết cơ sở hạ tầng ngân hàng của họ trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, tân thống đốc ngân hàng trung ương Iran, Mohammadreza Farzin, khẳng định: “Kênh tài chính giữa Iran và thế giới đang được khôi phục”.

Nga vẫn chưa đưa ra bình luận nào, nhưng theo Ngân hàng Trung ương Iran (CBI), sau nhiều năm làm việc, hai nước đã thành công trong việc kết nối dịch vụ nhắn tin tài chính quốc gia SEPAM của Iran với Hệ thống nhắn tin tài chính của Ngân hàng Nga (SPFS).

SPFS là phiên bản tương đương với Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), hệ thống chuyển và nhắn tin tài chính toàn cầu, và mục tiêu của nó là liên kết Nga với các cường quốc lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ. Nga đã bắt đầu phát triển SPFS khi trước đó họ bị đe dọa trục xuất khỏi SWIFT vì sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Toàn bộ hệ thống ngân hàng Iran bị cắt khỏi SWIFT do làn sóng trừng phạt của Mỹ bắt đầu vào năm 2018 khi Tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới. Các cuộc đàm phán để khôi phục hiệp định hạt nhân vẫn bế tắc.

Nhưng giờ đây, Iran cho biết, tất cả vài chục tổ chức tài chính của họ có thể kết nối với các ngân hàng Nga, ngoài ra còn có hơn 100 ngân hàng từ 13 quốc gia khác – chủ yếu là Á-Âu – có quyền truy cập vào SPFS.

Để mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế, Iran và Nga cần một liên kết ngân hàng mạnh mẽ hơn và giờ đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu dường như đã sẵn sàng cho điều đó.

Theo Hamidreza Azizi, một thành viên tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và an ninh của Đức, trước chiến tranh Ukraine và các lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt lên Moscow, Iran quan tâm nhiều hơn đến Nga trong hợp tác ngân hàng có cấu trúc, nhưng giờ đây có vẻ như Nga cũng đang thúc đẩy điều đó. Ông nói với Al Jazeera: “Theo nghĩa đó, có vẻ như lần đầu tiên trong những thập kỷ qua, cả hai bên đều có ý chí mạnh mẽ trong việc tăng cường và thể chế hóa các mối quan hệ kinh tế. Vì vậy, chắc chắn hai bên đều có ý chí chính trị”.

Tuy nhiên, Azizi cho rằng ít nhất là trong ngắn hạn, hệ thống của Nga sẽ không trở thành một giải pháp thay thế khả thi cho SWIFT vì hệ thống này cần các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc và Ấn Độ tham gia hoặc thậm chí dẫn đầu. Ông nói: “Vì cả hai nước vẫn còn khá thận trọng trong mối quan hệ của họ với phương Tây, nên điều này sẽ mất nhiều thời gian, nếu có, để thành hiện thực. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào tương lai của sự cạnh tranh toàn cầu giữa Washington và Bắc Kinh”.
Đối với Iran, việc chỉ liên kết hệ thống nhắn tin tài chính của mình với Nga không tự động củng cố quan hệ ngân hàng vì các ngân hàng được kết nối với SPFS vẫn cần quyết định xem họ có muốn làm việc với khách hàng Iran và thiết lập tài khoản đại lý với các ngân hàng Iran hay không.

Tehran và Moscow cũng đang theo đuổi việc tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia của họ trong thương mại nhằm cố gắng làm suy yếu dần tác động của đồng đô la Mỹ và đồng euro đối với nền kinh tế của họ.

Vào tháng 7 năm ngoái, đồng rúp của Nga đã chính thức được thêm vào rổ tiền tệ được cung cấp tại NIMA, một thị trường ngoại hối do nhà nước điều hành dành cho các nhà xuất nhập khẩu Iran ra mắt vào năm 2018 và được giám sát bởi ngân hàng trung ương.

Thống đốc CBI khi đó là Ali Salehabadi cho biết thị trường đồng rúp-rial đã được tung ra với một thỏa thuận trị giá 2 triệu rúp (khoảng 28.300 đô la), đồng thời khuyến khích các nhà xuất khẩu Iran sang Nga sử dụng đồng rúp.

Quang Đại