“Điểm sáng” trong đàm phán thương mại song phương Mỹ – Nhật

Tại cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nhật Bản và Mỹ đã đạt một đồng thuận lớn trong đàm phán hiệp định thương mại giữa hai nước.

Bất chấp việc ông Trump khẳng định với báo chí quốc tế: “Chúng tôi đã đàm phán trong một thời gian dài. Và chúng tôi đã đồng ý về nguyên tắc”, về phía Thủ tướng Shinzo Abe cho biết vẫn còn một số công việc cần thực hiện ở cấp làm việc như hiệu đính từ ngữ hay hoàn thiện nội dung… Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước thống nhất đẩy nhanh công việc để đạt mục tiêu hiện thực hóa việc ký kết hiệp định vào cuối tháng 9 tới tại New York, ngay bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết thỏa thuận sơ bộ giữa lãnh đạo hai nước đã giải quyết được ba điểm lớn là thuế quan công nghiệp, nông nghiệp và thương mại kỹ thuật số. Các mặt hàng thịt bò, thịt lợn, lúa mỳ, sản phẩm sữa, rượu vang và ethanol sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Cụ thể theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ cắt giảm thuế quan cho các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ tối đa ngang với thỏa thuận trong Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, nước này cũng cam kết sẽ mua một lượng lớn lúa mỳ và ngô của Mỹ. Ngược lại với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giúp quốc gia này trì hoãn nguy cơ Mỹ tăng thuế 25% đối với hàng xuất khẩu ô tô và phụ tùng ô tô của Nhật Bản sang Mỹ, như Tổng thống Donald Trump cảnh báo trước đó. Tuy nhiên, thỏa thuận không loại bỏ mức thuế 2,5% mà Mỹ đang áp lên xe ô tô hoặc phụ tùng ô tô Nhật Bản, bất kể Tokyo đã nhiều lần yêu cầu Washington dỡ bỏ hạng mục thuế quan này. Bên cạnh đó, việc Nhật Bản tạm dừng quyết định áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với 33 mặt hàng nông nghiệp Mỹ, trong đó có bơ, sữa bột gầy và một số loại pho mát, theo thỏa thuận trên nguyên tắc giữa hai ông Abe – Trump, sẽ khiến nông dân Nhật Bản gặp bất lợi trên chính “sân nhà”.

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, nếu được hoàn tất, sẽ giúp xoa dịu tranh cãi thương mại giữa hai đồng minh, tránh đẩy hai nước rơi vào cuộc chiến thương mại như giữa Mỹ với Trung Quốc. Về căn bản, hai nước đã đạt được sự đồng thuận thành công liên quan đến các yếu tố cốt lõi của thương mại nông nghiệp và công nghiệp. Dù vẫn còn một số việc cần phải hoàn thành song cả ông Trump và ông Abe đều muốn đảm bảo rằng các đội đàm phán của hai nước sẽ đẩy nhanh công việc còn lại để đạt được mục tiêu ký kết hiệp định này vào tháng 9 tới.

Thái Hòa