Điểm danh những ông lớn xứ Chùa Vàng “ăn nên làm ra” tại Việt Nam

Nắm trong tay hàng loạt thương hiệu đình đám tại Việt Nam, những Tập đoàn hàng đầu Thái Lan như SCG Group, C.P Group; TTC Group; Central Group luôn khiến giới đầu tư phải thán phục bởi độ mát tay và năng lực kinh doanh không có gì phải bàn cãi.

Nếu liệt kê những doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu của các ông chủ Thái, không thể không kể đến hệ thống siêu thị Big C, Sabeco; Redbull, Nhà máy lọc hoá dầu Long Sơn, Viet World…Một điều dễ nhận thấy là các nhà đầu tư xứ sở Chùa Vàng đặc biệt bị thu hút bởi lĩnh vực tiêu dùng vốn luôn đạt mức tăng trưởng cao và còn rất nhiều dư địa phát triển của Việt Nam. Thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp lẫn mua bán sáp nhập (M&A), các doanh nhân Thái Lan đang nắm trong tay các công ty tốt nhất Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Đơn cử trong lĩnh vực chăn nuôi, C.P Group với mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” (3F) đã trở thành doanh nghiệp thống trị với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Chủ sở hữu C.P Group là gia tộc giàu có Chearavanont với khối tài sản ước tính khoảng 36,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số những gia tộc giàu có nhất châu Á năm 2017.

Cũng hoạt động trong ngành chăn nuôi như C.P Group, Masan MEATLife  – thành viên của Tập đoàn Masan thu về hơn 16.100 tỷ đồng trong năm 2020. Hiện nay sản xuất thức ăn chăn nuôi đang là mảng hoạt động chủ lực đem lại nguồn thu lớn cho MEATLife

Trong số các công ty Thái Lan đạt doanh thu lớn tại thị trường còn có sự xuất hiện của Siam City Cement – một trong số những nhà sản xuất xi măng hàng đầu. Năm 2019, doanh thu của ông chủ thương hiệu Insee đạt hơn 5.350 tỷ đồng.

Một cái tên khác không thể bỏ qua là Tập đoàn SCG thuộc sở hữu phần lớn bởi hoàng gia Thái Lan và quốc vương Maha Vajiralongkorn được cho là một trong những nhà cầm quyền giàu có nhất thế giới với khối tài sản ước tính lên đến 40 tỷ USD. Tại Việt Nam, SCG nắm trong tay một loạt doanh nghiệp lớn, ăn nên làm ra trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhựa, giấy, hóa dầu…như: Nhà sản xuất gạch – gốm sứ Prime Group; Nhựa Bình Minh; Nhựa Duy Tân; Nhựa TPC Vina; Xi măng StarCemt; Giấy Kraft Vina; Bao bì Sovi, Batico…Năm 2019, tổng doanh thu của hệ sinh thái SCG Việt Nam đạt gần 26.600 tỷ đồng. Hiện Tập đoàn đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Long Sơn (tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD) sau nhiều năm đình trệ và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2021.

TCC Group của tỷ phú giàu thứ ba Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cũng không kém cạnh khi bỏ ra gần 5 tỷ USD trong thương vụ đình đám thâu tóm nhà sản xuất bia Sabeco vào cuối năm 2017. Trước đó TCC Group cũng mua lại 65% cổ phần để nắm chi phối tại Thái An – công ty mẹ của Phú Thái Group; cổ phần trong liên doanh Khách sạn 5 sao Melia nổi tiếng nhất Hà Nội; đổ tiền thực hiện thương vụ mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart (nay đổi tên thành B’mart) cũng như thâu tóm chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam (nay đổi tên thành MM Mega Market) với giá 655 triệu USD. Ngoài ra Fraser & Neave (F&N) – doanh nghiệp cũng thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đang là cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinamilk, với tỷ lệ chỉ đứng sau cổ đông Nhà nước.

Trong lĩnh vực bán lẻ, Central Group là thương hiệu đình đám bậc nhất khi nắm trong tay chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường như: Big C, Nguyễn Kim, Lan Chi Mart… Năm 2019, doanh thu của Big C Việt Nam tăng lên trên 16.600 tỷ đồng, trong khi quy mô của Nguyễn Kim Trading cũng cỡ 9.500 tỷ đồng.

Central Group thuộc sở hữu của gia đình Chirathivat – nhà phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan và cũng là gia tộc giàu thứ tư tại xứ Chùa Tháp với tổng giá trị tài sản lên đến 9,5 tỷ USD.

Trung Anh