Điểm danh 2 Khu đô thị đắc địa nhất tại “điểm nóng” bất động sản Tây Hồ Tây
Được quy hoạch phát triển thành trung tâm chính trị, hành chính mới cộng với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã đưa khu vực phía Tây Hồ Tây trở thành “điểm nóng” bất động sản của Thủ đô Hà Nội. Nổi bật trong đó, 2 Khu đô thị Starlake và Ciputra dưới bàn tay chăm chút của các công ty hàng đầu Hàn Quốc và Indonesia đã sớm trở thành kiệt tác thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Starlake
Khu đô thị Starlake có tổng diện tích diện tích 186 ha, do Daewoo E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư và giao cho Công ty TNHH Phát triển THT (sở hữu 100%) làm đơn vị chịu trách nhiệm phát triển dự án. Theo quy hoạch, đây sẽ là địa điểm dịch chuyển tới của các cơ quan thuộc Chính phủ, đại sứ quán, công trình văn hóa…
Giai đoạn 1 của Khu đô thị Starlake được khởi công xây dựng năm 2014 và chính thức mở bán những sản phẩm đầu tiên (đợt 1, 2) vào năm 2016 với tổng cộng gần 250 căn biết thự. Một năm sau đó, bên cạnh việc bàn giao sản phẩm đợt 1, 2 cho khách hàng thì đợt 3 của giai đoạn 1 cũng được mở bán với 50 căn biệt thự. Đến năm 2018, đợt 4 với 66 căn biệt thự tiếp tục được mở bán cùng với dự án chung cư đầu tiên trong Starlake có tổng cộng 603 căn hộ
Bước sang năm 2019, giai đoạn 2 Khu đô thị Starlake chính thức khởi động quá trình xây dựng hạ tầng. Trong năm 2020 này, cùng với việc mở bán đợt 1 các căn biệt thự thuộc giai đoạn 2, dự kiến Công ty THT cũng sẽ bàn giao các căn hộ chung cư giai đoạn 1 cho khách hàng vào tháng 10 tới.
Có thể thấy sự phát triển của dự án Starlake qua mỗi năm được phản ánh khá rõ nét trong kết quả kinh doanh của Công ty THT. Chính thức có nguồn thu từ năm 2017, đến năm 2019 doanh thu của THT đã có sự bứt phá ngoạn mục với 6.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.876 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiệu quả kinh doanh của Starlake khá ấn tượng và đang tăng lên theo thời gian với biên lãi gộp năm 2019 đạt tới 54%, gần gấp đôi so với năm 2018.
Đặc biệt tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của Starlake là rất lớn khi bên cạnh việc tự phát triển các dự án của riêng mình, Khu đô thị còn thu hút các dự án đầu tư lớn khác nhờ vào sức hút từ hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và hiện đại.
Ngày 31/5 vừa qua, Daewoo E&C cũng đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Samsung về việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu đô thị Starlake. Trung tâm này có quy mô diện tích dự kiến là 11.600m2, gồm 19 tầng, trong đó có 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, với sức chứa khoảng 3.000 người; thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Với quy mô rộng và tầm cỡ, đây hứa hẹn sẽ là một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển tầm cỡ thế giới.
Cùng với dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Edufit cũng đã khởi công xây dựng Trường mầm non Sakura Montessori – Trường PTLC Gateway Tây Hồ Tây trên diện tích 2 ha, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động trong tháng 12/2020.
Đặc biệt tại Starlake, Daewoo E&C còn kết hợp với nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước phát triển các dự án khách sạn 5 sao, văn phòng hạng A, trung tâm thương mại, giải trí, ẩm thực, thể thao quy tụ các thương hiệu nổi tiếng theo phong cách đô thị Hàn Quốc hiện đại.
Ciputra Hà Nội
Với quy mô 301 ha, Ciputra Hà Nội là kết quả hợp tác liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư&Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia); trong đó Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long được giao trách nhiệm phát triển dự án.
Phát triển theo mô hình khu đô thị sinh thái gần gũi với thiên nhiên, Ciputra Hà Nội dành tới 77 ha diện tích cho cây xanh và mặt nước. Tại Khu đô thị có hơn 7.000 cư dân, trong đó 30,8% là người nước ngoài đến từ 74 quốc gia trên thế giới. Số lượng cư dân dự kiến là 50.000 khi dự án hoàn thành
Những năm gần đây, Ciputra Hà Nội liên tục cho ra mắt, mở bán, bàn giao các dự án thấp và cao tầng, điển hình như: Khu biệt thự Grand Gardenville Tây Hồ, Central Park, Chung cư cao cấp TheLINK, Parklane, Concord…Trong 2 năm liên tiếp 2018 – 2019, doanh thu của Ciputra Hà Nội tăng mạnh, vượt mức 3.000 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 1.300 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần năm trước đó. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 20% lên tới gần 48% (thuộc top đầu trong số các công ty bất động sản của Việt Nam), phần nào cho thấy dự án đang trong giai đoạn đạt hiệu suất đầu tư kinh doanh cao nhất.
Về cổ đông lớn nhất – Tập đoàn Ciputra, đây là một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu ở Indonesia với hơn 100 công ty thành viên trên toàn thế giới hoạt động trong các lĩnh vực : Bất động sản, Y tế, Giáo dục, Nghệ thuật…; trong đó lĩnh vực chủ đạo là phát triển các dự án đồng bộ quy mô lớn kết hợp nhà ở, giải trí, tổ hợp đa năng bao gồm cả khách sạn, trung tâm mua sắm và văn phòng
Bằng tầm nhìn chiến lược sâu rộng, đến nay Tập đoàn Ciputra đã phát triển thành công 110 dự án bất động sản quy mô từ hàng trăm đến 6.000 ha tại Indonesia và trên toàn thế giới, trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Thông qua quan hệ đối tác, Tập đoàn Ciputra đã nhanh chóng phát triển tại Campuchia (Khu đô thị Grand Phnom Penh), Ấn Độ và Trung Quốc (Khu đô thị Grand Shenyang). Tại Việt Nam ngoài dự án KĐT Nam Thăng Long, Ciputra còn ghi dấu ấn với khách sạn 5 sao Pullman Hà Nội.
Cổ đông còn lại – Tổng Công ty Đầu tư&Phát triển Hạ tầng Đô thị, kể từ năm 2018 đến nay mỗi năm doanh nghiệp này đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng cổ tức vào doanh thu tài chính. Hai năm gần nhất, UDIC lần lượt đem về 735 tỷ đồng và 324 tỷ đồng, nhiều khả năng phần lớn trong số này là tiền được chia từ liên doanh Ciputra Hà Nội.
Kim Phương