Dịch tả heo vào miền nam là thảm họa

“Ở các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ cho heo ăn, tắm heo, tất cả chất thải đều thải xuống sông, kênh, rạch…nếu như dịch tả heo châu Phi vào miền Nam thì đây có thể là một thảm họa thực sự”.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc và bắc Trung bộ, nhưng các tỉnh phía nam đang phập phồng lo khi vi rút có thể theo xe chở lợn đi vào các tỉnh phía nam.

Nhận định trên được đưa ra từ bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM – trong buổi làm việc với các lò mổ, chợ đầu mối trên địa bàn về công tác giám soát dịch bệnh diễn ra rạng sáng 12-3.

Theo bà Lan, toàn miền Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp dịch tả. Nhưng nếu có ca nào nghi thì sẽ phải thông báo để kịp khoanh vùng xử lý ngay lập tức. Riêng TP.HCM, lực lượng quản lý thị trường, công an, thú y…đang tập trung kiểm soát chốt chặn để đảm bảo không một xe heo nào đi vào TP.HCM mà không qua kiểm tra.

Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM cho biết trung bình thị trường TP.HCM tiêu thụ hơn 11.000 con heo/ngày. Trong đó, đa số lượng heo về chợ đầu mối và một ít về siêu thị.

Theo bà Lan, lo ngại hiện nay là việc thương lái cố tình “đánh du kích” bằng cách mổ lậu và lén tuồn ra thị trường. “Tối 8, 9 và 10-3, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã bắt giữ và tiêu hủy tại chỗ hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tìm cách tuồn vào chợ đầu mối. Tuy nguồn thịt này không nhiều và hầu hết buộc tiêu hủy tại chỗ, xử phạt để răn đe, nhưng nếu kiểm soát không tốt thì đây là nguồn nguy cơ lây bệnh dịch”, bà Lan khẳng định.

Trước đó, thông tin từ các cơ quan chuyên ngành, đêm 11-3 lực lượng chức năng và chính quyền quận Gò Vấp đã phối hợp dẹp hàng chục lò mổ lậu.

Theo các cơ quan chức năng, dù bệnh dịch tả heo châu Phi không lây sang người nhưng nhiệm vụ nhà nước đảm bảo làm sao không để người dân không phải ăn nguồn thịt này. Tuy nhiên, người dân cần chung tay với Nhà nước, đừng sử dụng thực phẩm lậu, không nguồn gốc rõ ràng.

Duy Sơn