Dịch bệnh bước sang giai đoạn mới kéo theo những thách thức mới với thế giới

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp; mỗi ngày thế giới lại ghi nhận thêm các trường hợp nhiễm bệnh và tử vong ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Dường như dịch bệnh đã bước sang một giai đoạn mới kéo theo những thách thức mới với thế giới.

Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 23/2/2020, thế giới ghi nhận 78.823 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 2.461 trường hợp tử vong (Trung Quốc có 2.441 trường hợp; 19 trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là Iran 5 trường hợp, Hàn Quốc 4 trường hợp, Nhật Bản 3 trường hợp). Đặc biệt tại một số nước trên thế giới, số người nhiễm bệnh đang có xu gia tăng như Hàn Quốc với 556 ca mắc, Nhật Bản 134 ca, Singapore có 89 ca, Italia có 79 ca… Trong số này, đáng chú ý là Hàn Quốc, số ca mắc trong 3 ngày gần đây tăng nhanh. Riêng rại Việt Nam, đến nay có 16 trường hợp dương tính với Covid-19, tất cả đều khỏi bệnh và được xuất viện. Từ ngày 13/2 đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới.

Trong khi Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều ca nhiễm nhất (khoảng 75.000) và nhiều bệnh nhân tử vong nhất (2.441 người) thì hiện nay lại tiếp tục xuất hiện những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang tiến triển nhanh hơn ở các quốc gia châu Á khác. Tâm trạng lo lắng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường tài chính khi triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp đang ngày càng “lao dốc”.

Ông Khoon Goh – Chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Ngân hàng ANZ cho biết gần đây ở một số nước châu Á, số ca nhiễm đột ngột tăng nhanh, nhất là tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này thổi bùng lên những mối quan ngại mới. Dường như dịch Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới và chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, đi kèm với những tác động kinh tế mạnh mẽ hơn so với dự tính ban đầu.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự lo ngại về những ca nhiễm mới không có mối liên hệ nào với Trung Quốc. “Cánh cửa cơ hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ Trung Quốc ra các nước khác đang dần khép lại; dịch bệnh có thể lan rộng theo bất cứ hướng nào và chúng ta khó có thể kiểm soát được” – Giám đốc WHO nhận định.

Các nhà nghiên cứu tại Imperial College London đã sử dụng dữ liệu di chuyển bằng đường hàng không để ước tính số ca lây nhiễm ở bên ngoài Trung Quốc và chỉ ra các ca lây nhiễm này có nhiều triệu chứng lâm sàn khác nhau về mức độ nghiêm trọng và do đó, một số ca lây nhiễm có thể khó phát hiện hơn

Ở châu Á, Hàn Quốc đã chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong 24 giờ mà phần lớn liên quan đến “ổ dịch” ở 1 nhà thờ tại Daegu. Hầu hết bệnh nhân đã cùng nhau tham dự các buổi lễ với 1 người phụ nữ 61 tuổi được xác định dương tính với virut. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-Hoo cho biết chính quyền nước này hoàn toàn xác định được các kênh truyền nhiễm bệnh và tình hình hiện tại có thể kiểm soát được. Tp.Daegu đã ban bố lệnh đóng cửa các cơ sở công cộng và khuyên người dân ở trong nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan.

Đáng báo động hơn cả là tình hình lây lan dịch bệnh nhanh chóng ở Nhật Bản. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato thừa nhận nước này đã để mất dấu một số bệnh nhân. Trong tuần qua, số ca lây nhiễm tại xứ sở Phù Tang đã tăng hơn gấp ba lần lên 117 người; đưa quốc gia này trở thành nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Điều đáng nói là chính quyền Nhật Bản vẫn đang chật vật trong việc xác định nguồn lây nhiễm. Chính phủ Nhật bị chỉ trích là đã thực hiện quy trình cách ly du thuyền Diamond Princess quá lỏng lẻo và không nhanh chóng kiểm soát các du khách đến từ Trung Quốc. Ít nhất 636 hành khách trên du thuyền bị nhiễm virut và 2 người đã tử vong. Tình hình có khả năng leo thang do sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ cao như dân số già và văn hóa khó chịu với những người nghỉ phép vì ốm đau trong giới công sở Nhật. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra cảnh báo mức độ 1 dành cho Nhật Bản, tức không phản đối du lịch đến nước này nhưng phải thận trọng.

Bên cạnh những thông tin ảm đạm về Covid-19, vẫn có những tin tức tốt lành đến từ các thành phố châu Á đã áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Đơn cử trong hơn 2 tuần nay, tại trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới Macau không có ca nhiễm mới nhờ hạn chế di chuyển tới đại lục và đóng cửa toàn bộ các casino. Tại Singapore, dù có hơn 80 ca nhiễm song nhịp độ gia tăng số ca lây nhiễm mới rất ổn định và 37 bệnh nhân đã phục hồi. Tương tự, Hồng Kông cũng không ghi nhận ca nhiễm mới, ngoại trừ 1 trường hợp đáng lo ngại là 1 sĩ quan cảnh sát bị lây nhiễm Covid-19 đã ăn tiệc cùng 59 cảnh sát khác và hiện những người này đang thực hiện cách ly.

Một số người cho rằng du thuyền Diamond Princess có thể là 1 “thùng thuốc nổ” với tổng số hơn 1.000 hành khách đã rời tàu. Các hành khách trên du thuyền đến từ hơn 50 quốc gia và giờ họ sẽ trở về nhà, kích hoạt một làn sóng nhiễm bệnh mới trên toàn cầu. Hôm qua Australia thông báo 2 hành khách trở về từ du thuyền có kết quả xét nghiệm dương tính với virut.

Cựu quan chức WHO Keiji Fukuda – Giám đốc của Trường Y tế Công trực thuộc Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết hoàn toàn có khả năng những người này có kết quả âm tính với virut khi kiểm tra rời tàu và được phép lên máy bay. Tuy nhiên khi về nước kết quả lại là dương tính.

Còn theo ông Tedros, thế giới hoàn toàn có cơ hội để kiểm soát Covid-19 vì số ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc tương đối ít. Tuy nhiên rủi ro nằm ở chỗ nếu các nước không quyết liệt vào cuộc phòng chống dịch bệnh thì tâm dịch thứ hai có thể xuất hiện.

Kim Hân