Đảm bảo vừa thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh

5 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế có nhiều gam màu “sáng” và “tối” đan xen, chủ yếu do tác động của làn sóng dịch Covid – 19 lần thứ 4 kể từ 28/4 đến nay. Trong bối đó, sản xuất công nghiệp được xem là “cứu cánh” của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng…

Chủ động các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp

Bức tranh công nghiệp “sáng màu”

Từ cuối tháng 4/2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh song nhờ khoanh vùng, kiểm soát dịch kịp thời nên hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ 2020.  Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp; tiếp đến là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5%…

Nổi bật một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II, có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,8%…

Ngoài ra trong 5 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, điển hình như sản phẩm thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%…

Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng

Trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến hết sức phức tạp, ngày 13/5 Bộ Công Thương đã triệu tập cuộc họp khẩn tại đầu cầu Hà Nội, kết nối trực tuyến 63 tỉnh thành với yêu cầu cấp bách tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; đồng thời đặt ra một số định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.

Bộ Công Thương cho biết để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tháng 6 và những tháng còn lại của năm cần bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là trong các khu – cụm công nghiệp, đảm bảo vừa thực hiện  hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ gắn với tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác/thị trường.

Xác định việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở công nghiệp trên địa bàn cả nước, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu hoạt động công nghiệp – thương mại. Tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu – cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ, đặt trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp; đồng thời có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn. Mỗi cơ sở công nghiệp cũng phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.

Ở cấp độ địa phương, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương cần có cơ chế trao đổi định kỳ với Bộ Công Thương để cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế tại địa phương cũng như kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách trong ngành Công Thương.

Quang Việt