Đại chiến chuỗi cà phê: Kẻ ăn nên làm ra, người ngậm ngùi báo lỗ….

Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, lại có quy mô thị trường cà phê lớn (đạt gần 5,6 tỷ USD trong năm 2019), Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến của các chuỗi cà phê hàng đầu thế giới…

Nổi bật có thể kể đến thương hiệu ngoại đình đám như Dunkin Donuts, Coffee Beans and Tea Leaf, Gloria Jeans, My Life Coffee, McCafe, PJ’s…hay các ông lớn hàng đầu trong nước như Trung Nguyên, Phúc Long, Highlands, Coffee House, Coffee Factory, King Coffee…Trong số này, Highlands Coffee là chuỗi cà phê có số lượng quán lớn nhất tại Việt Nam với gần 340 quán trải dài khắp cả nước. Không ngừng đặt chân đến những vùng đất mới trên khắp cả nước, Highlands Coffee còn mang những giá trị Việt đến thế giới với chuỗi 50 quán cà phê trên thế giới.

Dù là doanh nghiệp nội nhưng đứng sau Highlands lại là Jollibee Group – ông lớn của mô hình kinh doanh nhà hàng chuỗi tại Philippines. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu của Jollibee tại Highlands Coffee lên đến 60% và ông lớn này còn dự định đưa chuỗi cà phê số một Việt Nam lên sàn chứng khoán.

Với số lượng cửa hàng áp đảo, năm 2019 doanh thu của Highlands Coffee đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm ngoái. Đây cũng là chuỗi cà phê có doanh thu cao số một tại Việt Nam và vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Highlands Coffee lại giảm 35% so với năm ngoái, chỉ đạt 84 tỷ đồng. Sự chững lại của chuỗi cà phê này một phần do sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ Phúc Long, Starbucks và The Coffee House.

Năm 2019, cả 3 chuỗi cà phê này đều đạt doanh thu từ 700 – 800 tỷ đồng. Trong đó Phúc Long đạt doanh thu 779 tỷ đồng (tăng trưởng 65%); Starbucks đạt 783 tỷ đồng (tăng trưởng 32%); The Coffee House đạt 863 tỷ đồng (tăng trưởng 29%). Trong khi lợi nhuận của cả Phúc Long và Starbucks đều tăng lên thì The Coffee House bất ngờ báo lỗ tới 81 tỷ đồng dù biên lợi nhuận gộp của chuỗi trên mức 72% – thuộc hàng cao nhất thị trường. Đây cũng là năm thua lỗ đầu tiên của The Coffee House trong nhiều năm trở lại đây.

Những năm gần đây, cùng với việc đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, The Coffee House còn khuyến khích khách hàng trải nghiệm app sản phẩm, đưa lượt tải ứng dụng The Coffee House trên Google App Store vượt hơn 100.000, bỏ rất xa so với các chuỗi cà phê khác trên thị trường.

Có kết quả này là do The Coffee House là chuỗi cà phê duy nhất trong số các thương hiệu lớn không đưa cửa hàng lên các app giao nhận đồ ăn, thay vào đó họ sử dụng dịch vụ giao hàng của riêng mình bởi theo ông Đinh Anh Huân – Chủ tịch HĐQT Seedcom kiêm Chủ tịch HĐQT The Coffee House: “Việc hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn là “con dao hai lưỡi”. Các ứng dụng giao đồ ăn đốt tiền khuyến mãi chỉ đem lại giá trị ngắn hạn cho các thương hiệu đồ ăn thức uống. Thương hiệu rồi sẽ lệ thuộc vào các ứng dụng”. Nhiều khả năng cũng chính chiến lược khác biệt này là nguyên nhân khiến The Coffee House thua lỗ.

Có thể thấy, cuộc chiến chuỗi cafe ở Việt Nam đang rất khốc liệt, trong đó những cái tên nội đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp ngoại nhờ vào việc tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu dồi dào, giá rẻ; thực đơn phong phú, phù hợp với thị hiếu của người dân địa phương….

The Coffee Bean & Tea Leaf là một ví dụ của việc không thành công. Những năm gần đây tình hình kinh doanh của chuỗi không suôn sẻ như kỳ vọng, thể hiện ở doanh thu 4 năm gần nhất liên tục sụt giảm, thậm chí còn không có lãi gộp. Ở chiều ngược lại, mức lỗ gia tăng lên gần 30 tỷ đồng trong cả 2018 và 2019.

Đồng cảnh ngộ với The Coffee Bean & Tea Leaf là chuỗi cà phê Trung Nguyên. Trong năm 2019 vừa qua, chuỗi này đem về 409 tỷ đồng doanh thu và lỗ 50 tỷ đồng.

Ngọc Đỉnh