Cuộc chiến không khoan nhượng và động cơ đằng sau thuyết âm mưu của Mỹ – Trung

Khởi phát từ việc Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đăng trên mạng xã hội Weibo lẫn Twitter rằng bệnh nhân số 0 (người đầu tiên bị Covid-19) có thể đến từ Mỹ chứ không phải ở Vũ Hán, ngay lập tức Mỹ và Trung Quốc đã lao vào chỉ trích nhau bằng thuyết âm mưu về nguồn gốc của chủng virut chết người này. Và nếu cáo buộc là sự thật, chắc chắn toàn nhân loại sẽ phải nhìn hai cường quốc hàng đầu này bằng con mắt khác.

Thuyết âm mưu được cả hai phía dùng để đấu chọi nhau, được cả hai bên chính trị hoá và công cụ hoá. Minh hoạ của Craig Stephens (SCMP)

Thời điểm trước khi Đại sứ Thôi Thiên Khải đăng tin lên mạng xã hội, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng đã công khai cho rằng bệnh dịch Covid – 19 phát tán từ Trung Quốc, gọi virut Corona là “Virut Vũ Hán”; đồng thời chỉ trích Trung Quốc cố tình che giấu thông tin về dịch bệnh ở nước này khiến cộng đồng thế giới lãng phí “thời gian vàng” kiềm chế dịch bệnh bùng phát ra toàn cầu. Chính cách hành xử này đã gây thiệt hại nặng nề cho thế giới trong khi các nước đã có thể chuẩn bị và hạn chế sự lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Cũng như ông Robert O’Brien, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều gọi virut Corona là “Virut Trung Quốc” hay “Virut Vũ Hán”. Thậm chí Người đứng đầu Nhà Trắng còn cáo buộc Trung Quốc là nguyên nhân khiến Mỹ đi đến quyết định không cho công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen và tất cả mọi người không phải là người Mỹ đi qua các nước tham gia hiệp ước này nhập cảnh vào Mỹ.

Không ngồi yên chịu đòn, phía Trung Quốc cũng công khai thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ trước những cáo buộc vô căn cứ từ Mỹ. Thậm chí chính quyền Bắc Kinh còn chơi đòn hiểm khi đề cập đến khả năng chính quân đội Mỹ đã đưa Covid – 19 vào Trung Quốc để gieo rắc dịch bệnh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Từ những diễn biến đầy kịch tính trên, có thể thấy thuyết âm mưu đang được cả Mỹ và Trung Quốc sử dụng để đấu đá nhau cả trên vũ đài chính trị lẫn kinh tế. Nói trắng ra, cuộc chơi với thuyết âm mưu của cả hai bên đều là chuyện dùng đối ngoại để đối nội, làm găng trong quan hệ song phương để trước hết trang trải nhu cầu đối nội.

Cũng tương tự cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, Mỹ lần này cũng là tác nhân khơi mào cuộc chơi trước. Từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid – 19 có những biểu hiện đầu tiên ở Trung Quốc nhưng thời điểm trước khi bị chính quyền Washington cáo buộc, phía Trung Quốc hầu như không hề đề cập đến khả năng mầm mống dịch bệnh được đưa từ bên ngoài vào phát tán ở Trung Quốc. Ngược lại phía Mỹ ngay từ đầu đã thông báo rộng rãi trên truyền thông rằng Trung Quốc bưng bít thông tin, che dấu sự thật về dịch bệnh thế kỷ này với mục đích đổ hết trách nhiệm lên Trung Quốc. Đây được xem là nước cờ tốt của chính quyền Washington, vừa trấn an tinh thần dân chúng vừa đẩy làn sóng chỉ trích của dư luận sang Trung Quốc. Điều này càng có ý nghĩa đối với chính quyền Mỹ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tại Trung Quốc đã dần lắng xuống trong khi ở Mỹ lại bùng phát mạnh mẽ.

Từ khi Covid – 19 bùng phát, Trung Quốc buộc phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc tìm phương án đối phó nhằm đẩy lùi dịch bệnh cũng như khắc phục hậu quả trên mọi phương diện. Trung Quốc đang lâm vào thế khó nên cũng hạn chế đến mức thấp nhất mọi sự xung khắc với Mỹ; ngược lại phía Mỹ cũng không lợi dụng hoàn cảnh bi đát của Trung Quốc để lấn bước trong cuộc chiến thương mại song vẫn bộc lộ rõ xung khắc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trên các phương diện khác.

Có thể thấy sau cuộc chiến truyền thông dữ dội, Mỹ và Trung Quốc lại dấn thân vào cuộc chơi mới với thuyết âm mưu giữa hai bên. Tư đây phía Mỹ vẫn luôn tìm kiếm và duy trì mọi con át chủ bài để chơi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với chính quyền Bắc Kinh và hiện tại đang chơi những con át chủ bài ấy tuỳ thuộc vào tác động đối nội của chúng tới cơ may tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Ngược lại Trung Quốc cũng phản đòn rất mạnh với Mỹ như thể đây không đơn thuần chỉ để bảo tồn thể diện quốc gia mà còn nhằm “lấy độc trị độc” với Mỹ – bằng thuyết âm mưu – để đáp trả ngang bằng với Mỹ và để ngăn ngừa tác động tiêu cực của thuyết âm mưu của Mỹ tới các đối tác của Trung Quốc. Khi dịch bệnh đi qua, Trung Quốc cần các đối tác này hơn bao giờ hết và có được sự hợp tác của họ càng nhanh chóng càng tốt. Không phải Mỹ mà chính những đối tác này mới là nguồn ngoại lực quan trọng nhất giúp Trung Quốc phục hồi sau dịch bệnh.

Cho nên những ầm ĩ thời gian qua trong mối quan hệ giữa Mỹ-Trung chỉ có tính nhất thời chứ không báo hiệu về chuyển biến cơ bản. Những biểu hiện ra bên ngoài không phản ánh đúng mức thực trạng bản chất. Và dự báo trong thời gian tới, mối quan hệ Mỹ-Trung cũng chưa thể tốt hơn cả trong thực chất lẫn biểu hiện ra bên ngoài, thậm chí còn có thể xấu thêm nữa ở biểu hiện ra bên ngoài nhưng không thay đổi cơ bản gì trong thực chất.

Thiên Phú