Cuộc chiến chống lạm phát đẩy nền kinh tế toàn cầu đến gần bờ vực suy thoái

Nguy cơ suy thoái đang “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Thách thức đặt ra ở đây là việc sử dụng các biện pháp truyền thống sẽ khó giải quyết được vấn đề…

Một người tiêu dùng mua sắm trong siêu thị Walmart ở Los Angeles. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo mới công bố hôm 15/9, Ngân hàng Thế giới ước tính GDP toàn cầu năm 2023 chỉ tăng 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Với việc đo suy thoái toàn cầu bằng sự sụt giảm GDP toàn cầu tính theo đầu người, Ngân hàng Thế giới cho rằng đây chính là biểu hiện của suy thoái toàn cầu.

Còn theo một số nhà kinh tế, suy thoái toàn cầu diễn ra khi có sự sụt giảm trên diện rộng trong một số chỉ số như: sản xuất công nghiệp, dòng vốn xuyên biên giới, việc làm và thương mại. Một số khác cho rằng tình trạng suy thoái ở các nền kinh tế lớn cũng sẽ giúp xác định một cuộc suy thoái toàn cầu thực sự; trong đó Mỹ, Canada và châu Âu đều đang suy thoái trong nửa cuối năm nay và đầu năm 2023.

Cụ thể đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, lãi vay thế chấp cao khiến thị trường nhà ở Mỹ khá ảm đạm. Hôm 16/9, Goldman Sachs hạ dự báo GDP Mỹ năm 2023 từ mức 1,5% xuống còn 1,1%; đồng thời giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm nay là 0%. Các chuyên gia Goldman Sachs nhận định triển vọng tăng trưởng và việc làm trong năm tới sẽ khá ảm đạm, thể hiện qua lộ trình lãi suất cao hơn kết hợp với việc thắt chặt điều kiện tài chính thời gian gần đây.

Về phía Oxford Economics cũng nhận định đặt trong bối cảnh lạm phát ngày càng tăng cao hơn, nhiều khả năng FED sẽ hành động cứng rắn để kiềm chế lạm phát, dẫu điều này có thể đẩy Mỹ vào một đợt suy thoái ngắn.

Theo nghiên cứu của Citigroup, kể từ năm 1981 tăng trưởng của Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đã có mối quan hệ tương hỗ. Trong 4 cuộc suy thoái toàn cầu kể từ năm 1980, tăng trưởng của Mỹ – nước chiếm khoảng một phần tư GDP toàn cầu đã chậm lại ngay trước khi nền kinh tế toàn cầu lao dốc hoặc cùng lúc.

Còn tại Đức, tình trạng thiếu năng lượng đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất cũng như sản lượng của các nhà máy. Tại Trung Quốc, chính sách chống dịch cứng rắn cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang nhận được ít sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách hơn bao giờ hết do Mỹ và các chính phủ khác phải cắt giảm chi tiêu cho các biện pháp cứu trợ đại dịch. Viễn cảnh đen tối đến nỗi Daleep Singh, Trưởng nhóm kinh tế toàn cầu của nhà quản lý tài sản PGIM Fixed Income đã phải thốt lên: “Tôi thấy một con đường gập ghềnh và viễn cảnh mù mịt phía trước. Chúng ta đang ở trong một thế giới mà các cú sốc sẽ liên tiếp đổ xuống”

Theo Citigroup, các ngân hàng trung ương đang tham gia vào chiến dịch tăng lãi suất tích cực nhất kể từ cuối những năm 1990 và chính điều này đã đẩy thế giới đến gần bờ vực suy thoái hơn. Sau các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Canada, Australia, Chile thì mới đây FED cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, dao động trong biên độ từ 3,0%-3,25%.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương vội vàng tăng lãi suất có thể bóp nghẹt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đơn cử việc FED tăng lãi suất đẩy đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chính khác, làm cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn với người Mỹ song lại khiến người dân và doanh nghiệp các nước khác chật vật.

Các nước nhập khẩu dầu lớn như Tunisia đặc biệt bị ảnh hưởng vì dầu thô được định giá bằng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn cũng làm tổn hại đến các quốc gia đang phát triển có các khoản nợ lớn bằng USD bởi khi đồng nội tệ của họ mất giá so với USD đồng nghĩa với số tiền họ bỏ ra trả nợ sẽ nhiều hơn

Mặc dù đã tăng lãi suất lần thứ 5 liên tiếp trong năm song FED vẫn chưa hạ nhiệt được lạm phát. Về khả năng tăng lãi suất trong tương lai, một số nhà phân tích dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vượt mức 3,8%; thậm chí các nhà kinh tế tại Deutsche Bank cho biết năm 2023 lãi suất của FED có thể đạt 5% – gần gấp đôi mức hiện tại.

Tại châu Âu, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cộng với giá năng lượng tăng cao khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp nới đây gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều năm giữ chi phí đi vay dưới 0, kể từ tháng 7/2022 đến nay Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất hai lần để kiềm chế lạm phát và dự định sẽ tiếp tục tăng lãi bất chấp nền kinh tế suy yếu. Nhà kinh tế Carmen Reinhart của Trường Quản lý nhà nước John F.Kennedy, Đại học Harvard nhận định đây là sự thay đổi chính sách mạnh mẽ nhất của châu Âu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cú sốc cung cấp năng lượng ảnh hưởng đến họ nhiều hơn Mỹ.

Một số nhà kinh tế dự đoán lạm phát đang lan rộng ra trên phạm vi toàn cầu. Nếu như nhiều thập kỷ hội nhập toàn cầu giúp Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác hưởng hàng hóa giá rẻ thì nay mọi chuyện đang dần khác đi. Chính phủ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang khuyến khích gia tăng sản xuất nội địa thông qua trợ cấp và hạn chế đầu tư. Dana Peterson – Nhà kinh tế trưởng của Conference Board cho biết việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ khiến chi phí đắt đỏ hơn.

Kinh tế toàn cầu đã thu hẹp trong quý II/2022 và nếu cục diện này biến thành một cuộc suy thoái toàn diện trong những tháng tới thì việc sử dụng các biện pháp truyền thống sẽ khó lòng giải quyết được vấn đề…Đơn cử hạ lãi suất là biện pháp thông thường để khắc phục tăng trưởng thấp; tuy nhiên do lạm phát đang hoành hành gần mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ, châu Âu, Canada và Anh nên các ngân hàng trung ương còn đang định tăng thêm lãi suất.

Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, Trung Quốc đã chi gần 600 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và sau đó là nhiều năm tài trợ hào phóng của các ngân hàng quốc doanh với tổng số tiền giải cứu chiếm hơn 1/4 GDP Trung Quốc. Tuy nhiên sự hào phóng đó chỉ có trong quá khứ bởi hiện tại Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với không ít rắc rối như: nợ nần chồng chất của khu vực bất động sản, xuất khẩu giảm tốc, đồng nhân dân tệ giảm gần 9% so với USD…. Ben May của Oxford Economics nhận định bối cảnh khó khăn chung sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc trở nên miễn cưỡng hơn khi sử dụng các đòn bẩy kinh tế mà họ từng dùng trong quá khứ…

Bảo Ngọc