Công ty dầu khí hàng đầu của Mỹ phá sản

Chesapeake Energy Corporation là hãng dầu khí lớn nhất tại Mỹ đến nay phải nộp đơn xin phá sản vì đại dịch và giá dầu thấp. Đơn xin phá sản hôm qua (28/6) đã chấm dứt kỷ nguyên thịnh vượng của Chesapeake – công ty tiên phong trong sự bùng nổ khai thác đá phiến tại Mỹ. Chesapeake đồng sáng lập bởi Aubrey McClendon – doanh nhân nổi tiếng với việc ủng hộ khai thác đá phiến.

Trong hơn 2 thập kỷ, ông đã gây dựng Chesapeake từ một công ty nhỏ thành hãng sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu tại Mỹ. Hiện tại, họ vẫn là hãng khí đốt lớn thứ 6 trong nước.

Tuy nhiên, giá khí đốt liên tục đi xuống gần đây khiến công ty này đặt cược vào dầu mỏ. Tháng 10/2018, CEO hiện tại Doug Lawler chi 4 tỷ USD mua hãng khai thác dầu đá phiến WildHorse Resource Development. Tuy nhiên, động thái này được đánh giá là sai thời điểm. Cổ phiếu hãng xuống thấp và giá trị các tài sản dầu khí mà Chesapeake nắm giữ giảm tới 700 triệu USD quý này. Tháng trước, họ đã cảnh báo sẽ không thể tiếp tục hoạt động được nữa.

Trên thực tế, khi Lawler tiếp quản công ty năm 2013, Chesapeake đã ngập trong 13 tỷ USD nợ. Ông phải cắt giảm chi tiêu và bán bớt tài sản. Tuy nhiên, đợt giá dầu lao dốc kỷ lục năm nay đã khiến Chesapeake lao đao.

Lỗ quý I của hãng lên tới hơn 8 tỷ USD. Cổ phiếu hãng này cũng mất 93% từ đầu năm. Công ty này có tới 9,5 tỷ USD nợ dài hạn và chỉ 82 triệu USD tiền mặt.

“Dù đã được xóa bỏ hơn 20 tỷ USD nghĩa vụ tài chính, chúng tôi cho rằng việc tái cấu trúc hiện tại là cần thiết đối với thành công dài hạn và khả năng tạo thêm giá trị của công ty”, Lawler cho biết trong thông báo. Việc này cũng sẽ giúp “củng cố bảng cân đối kế toán và tái cấu trúc các nghĩa vụ hợp đồng để đạt được cấu trúc vốn bền vững hơn”.

“Với tình hình giá hàng hóa như hiện tại, Chesapeake đúng là đang đốt tiền trong bối cảnh sản xuất đi xuống. Việc này không bền vững”, Spencer Cutter – nhà phân tích tín nhiệm tại Bloomberg Intelligence nhận xét.

Đầu tháng này, Chesapeake không thể trả 13,5 triệu USD tiền lãi, theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Họ có 30 ngày ân hạn trước khi bị coi là vỡ nợ. Trong thông báo hôm qua, hãng cho biết đã đạt thỏa thuận với các chủ nợ về việc hỗ trợ chi phí tái cấu trúc.

Thu Hà