Công nghiệp tự chủ – Nền móng cho xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ

Được “chắp cánh” từ những chủ trương chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cùng tinh thần tự cường tự lực, vượt khó đi lên của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ngành công nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò trụ cột, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và là ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước.

Đến nay có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như Thaco, Vinfast

Sức vươn từ những ngành công nghiệp trụ cột

Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. Sự đổi ngôi này phần nào minh chứng năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam đã được nâng cao đáng kể. Không chỉ khẳng định vai trò trụ cột, chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, công nghiệp còn là ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước. Đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cung cấp khoảng 25,8% việc làm cho nền kinh tế, bình quân tạo thêm khoảng 300.000 việc làm/năm…

Tín hiệu vui là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước không chỉ dừng lại ở sản phẩm đơn giản mà đã sản xuất được những cụm chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Từ nền công nghiệp nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, công nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn lên. Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực, giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao.

Đơn cử với ngành công nghiệp thép, từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay ngành thép Việt Nam đã vươn lên làm chủ khoa học – công nghệ, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn năng lực sản xuất với tổng công suất sản xuất 25 triệu tấn thép thô/năm, xuất khẩu thu về hàng chục tỷ USD. Càng tự hào hơn khi từ một quốc gia nhập khẩu thép, đến nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thép với kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm. Gần đây nhất năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn thép, trị giá gần 8 tỷ USD, tới 30 thị trường.

Không kém cạnh ngành thép, ngành công nghiệp hóa chất cũng đã sản xuất được các sản phẩm phân bón, hàng tiêu dùng, hóa chất, sản phẩm cao su… cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới 40 nước trên thế giới. Là “đầu tàu” của ngành thép quốc gia, mỗi năm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sản xuất 1,06 triệu tấn đạm, 660.000 tấn DAP, hơn 2 triệu tấn NPK, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp cũng như công cuộc xây dựng Nông thôn mới của cả nước. Kế hoạch từ nay đến năm 2025, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp.

Một dấu ấn thành công khác của công nghiệp Việt Nam đến từ sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp ô tô. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có hơn 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô; một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu như Thaco, Vinfast…Trong đó tỉ lệ nội địa hoá của Thaco Trường Hải ngày càng cao, có những dòng xe lên tới 70%. Không chỉ chủ động về nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô…; năng lực nội sinh của Trường Hải còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Úc, Anh, Ý, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.

Đến nay, Thaco là đối tác quan trọng của nhiều doanh nghiệp lớn như Kia, Mazda, Peugeot, Mercedes-Benz, BMW… Doanh nghiệp còn phát triển các dòng sản phẩm khác như: thiết bị công nghiệp, thiết bị nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ôtô, linh kiện phụ tùng ngoài ngành ôtô, nguyên vật liệu và gia công cơ khí theo công đoạn của quy trình công nghệ sản xuất theo yêu cầu khách hàng. Với những bước tiến thần tốc, Thaco đang ngày càng chứng minh rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ sản xuất ôtô, công nghiệp cơ khí đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là những “viên gạch hồng” đặt nền móng quan trọng để hướng tới xây dựng và phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Tiến tới xây dựng nền sản xuất tự chủ

 Có thể thấy dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, được ví như “xương sống” của nền kinh tế và có đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đạt được, phát triển công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Mặc dù thời gian qua nước ta đã triển khai hàng loạt chính sách phát triển các ngành công nghiệp “mũi nhọn” nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì các chính sách đó lại phân tán, ôm đồm, thậm chí có ý kiến gọi là nền công nghiệp “gai mít”. “Ngành công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, nội lực của các doanh nghiệp còn yếu. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất cũng như chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu mạnh” – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh thẳng thắn thừa nhận.

Cũng theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, đã xảy ra tình trạng mất cân đối trong ngành công nghiệp khi nước ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI; dẫn đến sự chuyển dịch tái cơ cấu trong công nghiệp thời gian qua chủ yếu do khu vực FDI mang lại chứ không phải là do các doanh nghiệp nội địa. Chưa kể việc phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu khiến sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao.

Minh chứng cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết các ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay đều phát triển mô hình kiểu cũ dựa vào xuất khẩu, trong đó: ngành điện tử mỗi năm xuất khẩu khoảng 95 – 100 tỷ USD; ngành dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; ngành da giày xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD. Đây là 3 ngành công nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu hạ nguồn, nhân công giá rẻ mà tổng kim ngạch xuất khẩu đã chiếm khoảng 150 tỷ USD/270 tỷ USD hàng năm. “Qua đây có thể thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam rất tốt, phát huy hiệu quả thiết thực nhưng có bao giờ chúng ta đặt giả thuyết nếu lương tăng quá cao, dòng vốn FDI rút đi thì Việt Nam sẽ còn lại gì? Chúng ta buộc phải tính toán đến khả năng này bởi một khi thu nhập trên đầu người của Việt Nam tăng cao thì nguy cơ dòng vốn FDI rút khỏi Việt Nam là rất lớn” – ông Hoài cảnh báo

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ, nội lực của nền kinh tế theo đó cũng ngày càng suy yếu. Với độ mở kinh tế lớn nhưng quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nền kinh tế tự chủ mới đủ sức chống chọi với các tác động tiêu cực bên ngoài.

Cũng theo vị chuyên gia này, để phát triển công nghiệp thành ngành “xương sống” đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm cao của cả chính quyền lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tiếp tục sự nghiệp CNH – HĐH, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng nền sản xuất tự chủ; chú trọng nâng cao nội lực về trình độ khoa học, công nghệ, nhân lực cũng như thúc đẩy liên kết, tham gia mạng sản xuất toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW đề cập và nhấn mạnh tính tổng thể, toàn diện của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Ðây cũng là những định hướng để cụ thể hóa các chủ trương của Ðảng nêu trong Văn kiện Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng; là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII.

Bảo Toàn