Công nghiệp 4.0 và cơ hội vàng cho ngành Ngân hàng

 Làn sóng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực kinh tế và dĩ nhiên ngành Ngân hàng cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, việc được cộng tác cùng những “ông lớn” toàn cầu như Visa, IBM, Amazon…đã và đang mở ra rất nhiều triển vọng cho ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số 4.0.

Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Ngân hàng thể hiện trên rất nhiều mặt từ mô hình tổ chức kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ, công việc liên quan đến an ninh an toàn bảo mật cho đến những nhân tố bên ngoài của ngành Ngân hàng. Trên cơ sở ý thức rõ tác động của Cách mạng 4.0, ngành Ngân hàng đã và đang có những bước chuyển mạnh mẽ. Cụ thể toàn ngành đã tích cực triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng 4.0, trong đó: tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động ngân hàng nói chung và hỗ trợ cho hoạt động thanh toán nói riêng, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Ngân hàng…Thông qua tác động của Cách mạng 4.0 mà cụ thể là Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things); các ngân hàng đang nỗ lực định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị, thanh toán điện tử, hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

Đối với các ngân hàng thương mại hiện nay, dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking), dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động (Mobile Banking) hầu như không còn xa lạ. Ngành ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị.

Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng còn chủ động bắt tay với các công ty trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để đưa ứng dụng công nghệ  vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Sự hợp tác này sẽ là tiền đề quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và các Fintech kiến tạo nên một thị trường tài chính phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả trong tương lai.

Thông qua các cuộc cách mạng lớn về công nghệ như Internet Banking, Mobile Banking hay Digital Banking, có thể thấy các ngân hàng trong nước đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hoà mình vào kỷ nguyên số 4.0. Đây cũng chính yếu tố quan trọng giúp ngành Ngân hàng Việt Nam được các công ty, các tập đoàn tài chính – công nghệ lớn trên thế giới để mắt đến.

Mới đây,  Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã có buổi làm việc với ba đoàn công tác nước ngoài gồm: Đoàn công tác của tổ chức thẻ quốc tế Visa do ông Demetrios Marantis – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Quan hệ Chính phủ Toàn cầu của Visa làm Trưởng đoàn; Đoàn công tác của Amazon do ông Michael Punke – Phó Tổng giám đốc chính sách toàn cầu của Công ty Amazon Web Services làm Trưởng đoàn; Đoàn Giám đốc điều hành Ngân hàng TNHH MTV CIMB do ông Tengku Zafrul Aziz – Giám đốc điều hành Tập đoàn CIMB làm Trưởng đoàn.

Tại các buổi làm việc này, các Trưởng đoàn của Visa, Amazon và CIMB  đều bày tỏ nguyện vọng được cộng tác  cùng ngành Ngân hàng Việt Nam trong phát triển hạ tầng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng 4.0. Ông Michael Punke cho biết hiện nay NHNN Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Fintech dưới dạng những khung làm việc điều chỉnh thử nghiệm (regulatory sandbox) và AWS rất có lợi thế trong lĩnh vực này bởi Công ty đang hợp tác với các nước trong khu vực để phát triển những sandbox tương tự. Do vậy AWS rất mong muốn được hợp tác với NHNN trong quá trình này. Công ty có thể cung cấp thông tin về các xu hướng mới nổi trong cách các tổ chức tài chính sử dụng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, chuỗi khối và ngân hàng ảo tại Việt Nam, trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. “Công ty AWS mong muốn AWS toàn cầu và AWS trong khu vực có thể hợp tác với NHNN trong việc xây dựng, phát triển các quy định quản lý trong lĩnh vực công nghệ mới một cách hiệu quả nhất và có lợi nhất cho nền kinh tế số của Việt Nam. Điều này có thể thực hiện bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo và các trao đổi kỹ thuật, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm” – ông Michael Punke chia sẻ.

Qua đây có thể thấy việc bắt tay với những công ty, tập đoàn lớn trên thế giới như Visa, IBM hay tới đây là Amazon đã, đang và sẽ mở ra những cơ hội vàng cho sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam trong kỷ nguyên số 4.0.

Theo : Victor Thai