Công khai minh bạch nhằm phát triển thương mại quốc tế bền vững

Quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc minh bạch hoá, yêu cầu các nước phải công khai, minh bạch các loại thủ tục, chính sách và quy định để các nước thành viên biết rõ ràng và cụ thể, loại bỏ tình trạng mập mờ về quy định và thủ tục.

Bên cạnh những thay đổi và điều chỉnh về luật pháp, chính sách trong lĩnh vực thương mại cần được thực hiện theo một chiều hướng nhất định mà các nước thành viên đều có thể dự đoán được. Đây là nguyên tắc để bảo đảm sự công bằng và cân bằng giữa các quốc gia trong các quan hệ thương mại nhằm giảm thiểu tình trạng những nước lớn về quy mô thương mại, có tiềm lực công nghệ và tài chính lớn có thể gây áp lực đối với các nước có quy mô nhỏ hoặc ngược lại.

Thế giới ngày nay đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nguyên tắc công khai minh bạch không những được áp dụng rộng rãi mà ngày càng được đề cao trong bối cảnh gian lận thương mại và cạnh tranh không lành mạnh xảy ra phổ biến khi cạnh tranh thương mại đã đẩy lên thành chiến tranh thương mại.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có tác động rất lớn đến nền ngoại thương Việt Nam nhất là trong bối cảnh Việt Nam có quan hệ quan trọng với hai thị trường này. Với thị trường Hoa kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2019, trị giá hàng xuất khẩu sang Hoa kỳ đạt trên 27 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Hoa kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong quý 1/2019 là Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản…, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 49%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 18,4%; vải tăng 7,1%.

Điểm bất cập trong tình hình xuất nhập khẩu kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, là số nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ có chiều hướng gia tăng. Trong 37 nhóm mặt hàng xuất khẩu chính sang Hoa kỳ, có 15/37 nhóm mặt hàng chính có mức độ tăng đột biến trên 25%  trong 6 tháng đầu năm 2019. Nhóm mặt hàng này đa số là những mặt hàng Trung Quốc có thế mạnh xuất khẩu. Điều đó đã đặt ra nhiều quan điểm về sự cần thiết của sự công khai minh bạch trong hoạt động thương mại quốc tế đa phương của Việt Nam. Nhất là quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc vẫn duy trì chính sách biên mậu, tiểu ngạch lạc hậu thiếu công khai, minh bạch. Trong nước, chúng ta lại thiếu các tiêu chuẩn, quy định về dán mác, nhãn hiệu chất lương hàng hóa…, công tác hải quan còn nhiều hạn chế.

Chúng ta tham gia nhiều chương trình hợp tác kinh tế quốc tế  và có những cuộc vận động, chương trình xúc tiến thương mại như “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “hàng Việt Nam chất lượng cao” và gần đây là “hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”… nhưng lại chưa có quy định cụ thể như thế nào là hàng Việt Nam hay “Made in Vietnam”… Chính vì vậy, có rất nhiều rủi ro liên quan đến nguyên tắc công khai minh bạch và đặt hàng hóa Việt Nam trước các cuộc điều tra gian lận thương mại của các đối tác. Một sự cảnh báo lớn nhất có thể thấy qua phát biểu của Tổng thống  Mỹ, đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam: “Việt Nam là nước lợi dụng thương mại”.

Có thể thấy, nguyên tắc công khai minh bạch trong thương mại là một chiến lược bền vững trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Việc sớm ban hành quy định về quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa sản xuất tại Việt nam trên cơ sở đồng thuận giữa các chủ thể kinh tế sẽ là bước đi quan trọng trong việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh bền vững. Nó không chỉ giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế mà còn đảm bảo quyền lợi người dân, người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và công bằng cho các doanh nghiệp, tránh sự lạm dụng để có những lợi ích ngắn hạn. Sự công khai minh bạch sẽ góp phần cho sự phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.                                                                                         

                                                                  T.Công