Con người là yếu tố tiên quyết để triển khai thành công Chính phủ điện tử

 Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian qua. Theo quan điểm của người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, những cải cách, đổi mới của Chính phủ điện tử phải đến từ những đổi thay trong chính tư tưởng của mỗi cán bộ, công chức nhà nước.

Đánh giá về tình hình tiến hành Chính phủ điện tử trong thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ngay từ những năm 2000, Việt Nam đã bắt tay vào triển khai Chính phủ điện tử. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, nước ta vẫn còn nhiều hạn chế trong vấn đề mang lại dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Sự hạn chế này có thể xuất phát từ nhiều nguyên do từ thể chế, hạ tầng, ứng dụng công nghệ cho đến khó khăn về kinh phí khiến Việt Nam chưa làm được cơ sở dữ liệu quốc gia.

Trong bối cảnh đó, từ tháng 8/2018 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với vai trò Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc tạo ra một “đòn bẩy” nhằm đẩy nhanh tiến trình này. Cụ thể về thể chế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 3/7/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 về gửi, nhận văn bản điện tử và phân cấp chữ ký số… Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung kiến trúc điện tử phiên bản 2.0, xây dựng dự thảo Quyết định ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức, tạo ra sự thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu…Khi những thể chế này được hoàn thiện sẽ tạo điều kiện căn cơ để người dân, doanh nghiệp, các tổ chức liên quan tham gia vào việc số hoá chính quyền. Về phía các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai và tiếp tục hoàn thiện để tạo ra môi trường tốt nhất.

Riêng tại Văn phòng Chính phủ, từ tháng 6/2018, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện phi giấy tờ; toàn bộ hồ sơ đều được thực hiện trên các thiết bị điện tử, trừ văn bản mật. “Tôi cũng thấy có sự thay đổi rõ về vấn đề tư duy, ý thức, trách nhiệm của cán bộ thực thi. Thời gian, tiến độ, chất lượng công việc cũng được cải thiện nhờ vào sự minh bạch, giám sát thông qua việc số hoá bộ máy” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.

Cũng theo người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, con người là yếu tố tiên quyết để Chính phủ điện tử triển khai thành công. Để đảm bảo con người có thể đi vào chuẩn mực, trước hết chúng ta phải làm công tác tư tưởng, giáo dục cán bộ. Cải cách chính là từ tư tưởng, phải dứt bỏ những quyền lợi, những thứ mà thường được cho là không ai giám sát, mỗi người phải có trách nhiệm minh bạch. Mặt khác cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong việc làm Chính phủ điện tử. Nếu trước đây người nào biết việc nấy thì nay với việc điện tử hoá, các cá nhân trong tổ chức sẽ có sự công khai, tương tác, chia sẻ thông tin. Ngoài ra cũng cần đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu, phải gương mẫu để có sự noi gương. “Tôi cho rằng Việt Nam có nhiều triển vọng trong triển khai Chính phủ điện tử và xây dựng các thành phố thông minh nếu chúng ta có một thái độ rất nghiêm túc. Nguồn nhân lực, công nghệ sẽ là không đủ nếu không có sự kết nối, chia sẻ, hợp tác. Việt Nam có nhiều cá nhân giỏi, nhiều nhân vật xuất sắc trong giới công nghệ nhưng nếu không có sự định hướng chuẩn, chúng ta sẽ không làm được. Còn nếu bắt tay vào làm, tôi tin Việt Nam hoàn toàn không thua kém các nước khác. Tuy nhiên điều chúng ta cần là một thái độ làm việc nghiêm túc, từ nhận thức cho đến hành động cụ thể bởi chúng ta đôi khi hay nói nhiều, trong khi thực tiễn lại khác” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thái Hòa