Cổ phiếu ngành mía đường tụt dốc không phanh

Sự suy giảm lợi nhuận của hàng loạt “ông lớn” ngành mía đường trong niên độ tài chính 2017-2018 kéo theo sự tụt dốc thê thảm của cổ phiếu ngành này trên thị trường chứng khoán, thậm chí có mã cổ phiếu chỉ trong vòng vài tháng đã mất hơn 50% giá trị.

Doanh nghiệp điêu đứng

Minh chứng điển hình nhất cho sự lao dốc không phanh của trong nhóm cổ phiếu ngành mía đường có lẽ thuộc về mã chứng khoán SLS của Công ty CP Mía đường Sơn La. Trong quý IV niên độ tài chính 2017-2018 (từ 1/7/2017 đến 30/6/2018), dù doanh thu của Mía đường Sơn La đạt 144 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ niên độ trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 39,3%; tính chung toàn niên độ, Mía đường Sơn La chỉ đạt 116 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 28,9% so với niên độ 2016 – 2017. Lợi nhuận giảm, trong khi quy mô tài sản tăng nên các chỉ số hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp này cũng giảm mạnh, cụ thể: tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) giảm xuống 8,2% so với mức 17,8% của cùng kỳ; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ còn 24,2% (cùng kỳ là 38,8%). Từng là cổ phiếu mía đường có thị giá cao nhất thị trường khi có thời điểm lên tới mức giá gần 200.000 đồng/cổ phiếu nhưng hiện nay cổ phiếu SLS đã giảm gần 60% giá trị.

Tình hình của Công ty CP Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán LSS) cũng không khá hơn mấy so với Mía đường Sơn La khi trong quý IV niên độ 2017-2018 doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế 11,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 18,2 tỷ đồng); lũy kế cả niên độ doanh thu của Mía đường Lam Sơn giảm đến 39% so với niên độ trước. Mệnh giá cả phiếu LSS hiện chỉ còn 9.040 đồng/cổ phiếu, giảm 19,6% so với đầu năm.

Tại khu vực Tây Nguyên, đồng cảnh ngộ rớt giá mạnh là cổ phiếu của Công ty CP Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS) khi doanh nghiệp này báo lợi nhuận giảm tới 78%, chỉ còn 9 tỷ đồng trong niên độ 2017-2018. Với kết quả kinh doanh bết bát, trong vòng 1 năm trở lại đây trị giá cổ phiếu KTS đã giảm tới 64% giá trị.

Riêng tại khu vực miền Nam, cổ phiếu của doanh nghiệp có năng lực sản xuất và quy mô lớn nhất ngành đường cả nước – Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) cũng giảm 50% giá trị khi lợi nhuận của Công ty suy giảm. Cụ thể niên độ 2017-2018, Thành Thành Công Biên Hòa đạt doanh thu hợp nhất 10.364 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với niên độ trước; lợi nhuận sau thuế 546,7 tỷ đồng, tăng 61%. Tuy nhiên, kết quả này có được là do có sự sáp nhập với Công ty CP Mía đường Biên Hòa (mã chứng khoán BHS) vào tháng 10/2017. Trong niên độ tài chính trước khi chưa hợp nhất, lợi nhuận sau thuế của Thành Thành Công Biên Hòa theo báo cáo tài chính là 339,3 tỷ đồng, còn Mía đường Biên Hòa là 289 tỷ đồng. Như vậy trên thực tế lợi nhuận sau thuế trong năm qua của Thành Thành Công Biên Hòa còn thấp hơn tổng lợi nhuận riêng lẻ của Công ty và Mía đường Biên Hòa gộp lại.

Trong nguy có cơ

Phần lớn doanh nghiệp ngành mía đường rơi vào cảnh sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do tình trạng cung vượt quá cầu khiến khâu tiêu thụ gặp khó khăn, tồn kho tăng, giá bán sụt giảm. Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường trắng trên thị trường thế giới trong tháng 7/2018 là 317,85 USD/tấn, giảm 17,75 USD/tấn so với tháng trước (trong khi mức trung bình các năm 2016 là 498,13 USD/tấn, năm 2017 là 432,07 USD/tấn).

Theo các chuyên gia, giá đường thế giới giảm mạnh là do sản lượng đường sản xuất toàn cầu niên vụ vừa qua tăng 10,3%, cao hơn so với mức tăng 2% của nhu cầu tiêu thụ. Tình trạng này đặt các doanh nghiệp mía đường Việt Nam vào cảnh phải cạnh tranh trực tiếp với đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan.

Tuy vậy trong nguy có cơ, một số diễn biến mới trên thị trường gần đây cho thấy đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu lạc quan hơn cho ngành mía đường nội địa. Cụ thể tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với ngành đường đến hết năm 2019, điều này đồng nghĩa với việc thời gian thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành mía đường sẽ lùi lại 1 năm, qua đó giúp các doanh nghiệp mía đường trong nước có thêm thời gian để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trước khi nước ta mở cửa thị trường theo cam kết.

Ngoài ra Công ty CP Chứng khoán Tp.HCM (HSC) cũng đưa ra dự báo trong thời gian tới bám sát tốc độ tăng tiêu thụ của các ngành hàng bánh kẹo (5-6%/năm), sản phẩm từ sữa (10%), nước ngọt (7%) thì nhu cầu tiêu thụ đường cũng sẽ tăng trưởng khoảng 4%/năm, gấp đôi tốc độ tăng trung bình của thế giới. Những tín hiệu hết sức lạc quan này giúp các doanh nghiệp ngành mía đường có cơ sở để kỳ vọng vào một niên độ mới với nhiều yếu tố tích cực, qua đó sẽ phản ánh trực tiếp vào giá cổ phiếu.

Theo : Nguyễn Cường