Cổ phiếu của nhà sản xuất chip Trung Quốc SMIC giảm sau đe dọa trừng phạt của Mỹ

Cổ phiếu của SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, đã giảm hôm thứ Hai do lo ngại rằng họ có thể mất quyền tiếp cận với công nghệ quan trọng của Mỹ.

Tờ Financial Times đưa tin cuối tuần qua rằng Bộ Thương mại Mỹ đã gửi một lá thư tới các công ty cảnh báo về nguy cơ hàng xuất khẩu cho SMIC có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Hiện chưa rõ rõ liệu bức thư đó có nghĩa là các hạn chế chính thức đối với SMIC đã có hiệu lực hay không. Financial Times báo cáo rằng công ty đã bị “ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ”. Tương tự, Reuters cũng đưa tin rằng Mỹ đang thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang SMIC, trích dẫn bức thư của Bộ Thương mại.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa thêm công ty Trung Quốc này vào Danh sách đen, điều này sẽ yêu cầu các công ty Mỹ phải xin giấy phép xuất khẩu cho SMIC, theo các nhà phân tích tại công ty môi giới Jefferies.

Bộ Thương mại đã không trả lời yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc thông thường.

SMIC cho biết hôm thứ Hai rằng họ “không biết về thông tin” được đề cập trong các bản tin. Họ nói thêm rằng các chất bán dẫn của nó được sử dụng cho mục đích dân sự và thương mại, và họ không có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Nhưng các thông tin nói trên đã đủ để khiến các nhà đầu tư lo lắng. Cổ phiếu của SMIC đã giảm gần 4% tại Hồng Kông vào thứ Hai. Cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của công ty giảm 7%.

Một cuộc chiến leo thang về công nghệ

Số phận của SMIC vẫn còn u ám. Nhà phân tích Edison Lee của Jefferies đã chỉ ra trong một ghi chú nghiên cứu hôm Chủ nhật rằng Bộ Thương mại vào tháng 4 đã mở rộng định nghĩa về “người sử dụng quân sự” để bao gồm các công ty tư nhân cung cấp sản phẩm cho quân đội. Như vậy các thương vụ đó luôn yêu cầu giấy phép xuất khẩu.

Lee nghi ngờ rằng nếu SMIC chưa được thêm cụ thể vào Danh sách đen của chính phủ Hoa Kỳ, điều đó có thể có nghĩa rằng các quan chức Mỹ đang “chỉ nhắc nhở” những người làm ăn với SMIC về sự thay đổi quy tắc.

Ông viết: “Nó không có nghĩa là một lệnh cấm toàn diện đối với SMIC”.

Bất kỳ loại lệnh cấm xuất khẩu nào của Mỹ đối với SMIC sẽ đánh dấu một sự leo thang căng thẳng khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đang bị kẹt trong cuộc chiến về công nghệ của tương lai.

Mối đe dọa của các lệnh trừng phạt đối với SMIC đã là một mối lo ngại trong thời gian qua. Cổ phiếu của công ty đã sụt giảm vào đầu tháng này do các báo cáo cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan khác của Mỹ đang xem xét việc cấm xuất khẩu sang SMIC.

Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của nhà sản xuất chip vì “phần lớn” thiết bị của họ có nguồn gốc từ Mỹ, theo các nhà phân tích tại công ty môi giới Morningstar.

Nhà phân tích Phelix Lee của Morningstar viết trong một báo cáo hồi đầu tháng: “Mặc dù các sản phẩm thay thế của Trung Quốc đã xuất hiện trong các bộ phận của chuỗi cung ứng, nhưng thông số kỹ thuật của chúng thường chậm hơn từ hai đến ba thế hệ”.

An Phước