Cơ hội vàng nâng cao kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản

Những năm qua Nhật Bản luôn là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù nổi tiếng khắt khe về mặt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm song không thể phủ nhận đây vẫn là thị trường vô cùng tiềm năng cho hàng Việt.

Sau thời gian gián đoạn vì dịch Covid-19, mới đây hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã chính thức nhập khẩu vào Nhật Bản và được tiêu thụ nhanh chóng chỉ trong 1 ngày tại hệ thống siêu thị ở Tokyo, Osaka. Người tiêu dùng xứ sở Phù Tang không chỉ nồng nhiệt đón nhận mà còn đánh giá rất cao chất lượng vải thiều Việt Nam. Mùa vải năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 200 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển.

Sự kiện này ghi dấu nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan trong định hướng sản xuất, quản lý chất lượng; mở rộng đầu ra cho quả vải thiều nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung. Trong đó không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Công Thương trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Về tiềm năng của thị trường Nhật Bản, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết những năm qua Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 song  5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỷ USD, nhập khẩu 7,77 tỷ USD.

Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại bởi cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng thiết yếu … trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Nắm bắt cơ hội vàng này, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam – Nhật Bản”, thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tiêu dùng các loại của Việt Nam (đến từ 8 tỉnh, thành Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đông, Long An, Quảng Ngãi) chào bán tới các nhà phân phối Nhật Bản nhiều sản phẩm đa dạng. Đây là sự kiện kết nối trực tuyến đầu tiên giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản và được ghi nhận là rất phù hợp, phát huy tính hiệu quả trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

Phát huy kết quả đạt được, ngày 7/7 tới đây Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm hỗ trợ SME Tokyo tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” với sự tham gia của khoảng 30 – 40 doanh nghiệp hai nước. Đây được xem là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao thương, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (máy móc, thiết bị, linh kiện cơ khí…) tới 7 đối tác hàng đầu Nhật Bản (Kawamasa, Kawabe Noken Sangyo, Komine, Sakata, Syroto, Nikko Sangyo, Yamato Goken); đồng thời tạo cơ hội phát triển thị trường Nhật Bản cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Giàu tiềm năng khai phá song Nhật Bản cũng đồng thời là một thị trường rất khó tính và khắt khe về mặt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để hàng xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và Du lịch ASEAN, Nhật Bản khuyến nghị các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về thương mại và hàng hóa.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm… Riêng đối với sản phẩm dệt may, doanh nghiệp Việt Nam cần thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.

Ngọc Ánh