Cổ đông ngoại không được sở hữu quá 34% vốn tại một hãng hàng không Việt Nam

Thủ tướng vừa ban hành Nghị định 89 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh lĩnh vực hàng không dân dụng và kinh doanh vận chuyển hàng không, điều chỉnh quy định về sở hữu nước ngoài và điều kiện vốn kinh doanh vận chuyển hàng không.

“Room” ngoại với các hãng bay được nới lên 4% so với trước nhưng đã có những ràng buộc rõ ràng hơn về vai trò của cổ đông trong nước.

Theo Nghị định 89, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng ba điều kiện, gồm: nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ, cổ đông trong nước phải giữ phần vốn điều lệ lớn nhất và nếu cổ đông trong nước là pháp nhân có vốn nước ngoài thì phần vốn đó chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

So với những quy định trước đó, giới hạn “room ngoại” được tăng 4% nhưng  đã có những ràng buộc rõ ràng hơn về vai trò của cổ đông trong nước. Theo Nghị định 92/2016, trần sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không được quy định là 30%.

Việc chuyển nhượng cổ phần, vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định trong Nghị định mới và chỉ được thực hiện sau 2 năm kể từ khi hãng bay được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Trong số những hãng hàng không trên thị trường hiện nay, Vietjet là hãng có sở hữu nước ngoài cao nhất. Theo báo cáo thường niên năm 2018, tổ chức và cá nhân nước ngoài sở hữu 24,63% vốn của Vietjet, tổ chức trong nước sở hữu 43,51%, còn cá nhân trong nước sở hữu 31,86%. Tuy nhiên, hãng bay này không có cổ đông nước ngoài nào giữ vai trò cổ đông lớn.

Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar và Vasco) có cổ đông Nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối. Theo báo cáo tài chính kiểm toán quý II, cổ đông Nhà nước nắm hơn 86% vốn của Vietnam Airlines. Còn Bamboo Airways hiện là công ty con thuộc Tập đoàn FLC.

Ngoài giới hạn sở hữu nước ngoài, nghị định mới cũng thay đổi về điều kiện vốn kinh doanh vận chuyển hàng không.

Nghị định mới ban hành không phân biệt vốn tối thiểu giữa hãng có đường bay quốc tế với hãng chỉ bay nội địa. Theo đó, hãng hàng không khai thác 10 tàu bay chỉ cần vốn tối thiểu 300 tỷ đồng. Quy mô 11-30 tàu bay cần vốn tối thiểu 600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng với quy mô trên 30 tàu bay. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng, không thay đổi với nghị định trước đó.

Trong khi đó, Nghị định 92/2016 quy định, doanh nghiệp khai thác 10 tàu bay quốc tế phải có vốn tối thiểu 700 tỷ đồng và 300 tỷ đồng với hãng chỉ bay nội địa. Mức vốn này lần lượt tăng lên 1.000 tỷ và 600 tỷ đồng với hãng khai thác 11 – 30 tàu bay. Khai thác trên 30 tàu bay, nghị định cũ quy định mức vốn tối thiểu là 1.300 tỷ và 700 tỷ đồng.

Minh Anh