Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh: “Nên điều chuyển khoản hỗ trợ lãi suất sang các mục tiêu khác như y tế, giáo dục, giảm VAT đồng loạt….”

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã chính thức thông gói chính sách tài khoá, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện trong 2 năm 2022-2023. TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng gói cứu trợ được tung ra là cần thiết song hỗ trợ quan trọng nhất lúc này vẫn là làm sao mở cửa và duy trì hoạt động kinh tế một cách liên tục, bền vững….

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ảnh: Website Trường Đại học Fulbright

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, về quy mô gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội có giá trị 340.000 tỷ đồng nhưng trên thực tế, số tiền được bơm ra sẽ nhỏ hơn nhiều do phải trừ đi những nghĩa vụ tài chính doanh nghiệp sẽ phải hoàn trả cho Nhà nước sau thời gian được hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ. Bên cạnh đó nếu tốc độ giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp sẽ làm giảm hiệu lực của gói hỗ trợ như thực tế triển khai các gói hỗ trợ của nước ta trong 2 năm qua. “Sự thành công của gói hỗ trợ phụ thuộc vào tính ưu tiên, tốc độ và hiệu quả triển khai nên cần tập trung vào một số lĩnh vực hay đối tượng có tầm quan trọng cao hơn. Ví dụ đầu tư cho y tế, phòng chống dịch đang dự kiến chi là 60.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ này theo tôi rất quan trọng nên tuỳ theo tình hình dịch bệnh, nếu cần thiết phần ngân sách này thậm chí phải tăng thêm bởi nếu kiểm soát được dịch thì nền kinh tế sẽ mở cửa một cách ổn định và bền vững. Điều này còn cần thiết hơn cả gói hỗ trợ” – người đứng đầu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh.

Bên cạnh đầu tư cho y tế, phòng chống dịch, khoảng đầu tư 113.800 tỷ đồng cho hệ thống cơ sở hạ tầng cũng cần thiết nhằm tăng cường nền tảng cạnh tranh và hiệu quả cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Ngoài ra vị chuyên gia này cũng cho rằng cần ưu tiên hơn đến giáo dục, nhất là với những học sinh, sinh viên ở các gia đình khó hoặc không được tiếp cận với thiết bị và Internet chất lượng cao để học trực tuyến. Điều này cũng nhằm tránh tạo ra sự bất bình đẳng nghiêm trọng về cơ hội giáo dục, ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp và nguồn vốn con người trong tương lai.

Tuy nhiên gói hỗ trợ Quốc hội thông qua có trị giá 340.000 tỷ đồng mà lại cần tăng ưu tiên cho y tế, giáo dục thì không đủ. TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng có thể cắt giảm gói hỗ trợ lãi suất khoảng 40.000 tỷ đồng để dồn nguồn lực sang lĩnh vực y tế, giáo dục vì gói hỗ trợ này có thể còn mâu thuẫn với chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất và mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Ông lý giải thêm việc thiếu tín dụng, hoặc tín dụng có chi phí cao không phải là vấn đề quan trọng cần phải giải quyết thông qua hỗ trợ lãi suất mà ngay lúc này, cái nền kinh tế thiếu nhất chính là cơ hội kinh doanh, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất bị đình trệ. Khi bơm thêm thanh khoản, hỗ trợ 2 điểm phần trăm lãi suất, các vấn đề cấp bách này không hề được giải quyết. Chưa kể điều này còn có thể làm nảy sinh một số hệ luỵ vĩ mô, nhất là thời điểm tung gói cứu trợ trùng với chu kỳ tăng trở lại của chỉ số giá. Hiện lạm phát trên thế giới tăng rất nhanh và nó sẽ nhập khẩu vào Việt Nam dưới dạng chi phí nguyên vật liệu và giá năng lượng. Lúc đó cộng hưởng với đà phục hồi kinh tế trong nước sẽ làm cầu kéo và chi phí đẩy khiến lạm phát của Việt Nam tăng. Đây cũng là rủi ro khi gói hỗ trợ của Việt Nam lệch pha với thế giới về thời điểm.

Không khuyến khích đổ tiền giảm lãi suất song vị chuyên gia này cho rằng việc ưu tiên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đồng loạt sẽ mang lại hiệu quả nhanh và tạo tác động lan tỏa trên diện rộng. “Mặc dù Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cũng đã có đề xuất giảm VAT từ mức 10% xuống mức 8% với nhóm hàng hoá, dịch vụ (trừ một số nhóm thuộc ngành có lợi thế phát triển là viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…) nhưng tôi cho rằng làm đồng loạt sẽ tốt hơn. Cách này sẽ đơn giản hoá quy trình cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, bởi trong thực tế, các doanh nghiệp có thể kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực. Với VAT không phải đẻ ra thêm bộ máy mới hay thủ tục mới. Cơ quan thực thi chỉ cần căn cứ theo đúng hồ sơ như thường lệ để cắt giảm thuế cho cơ sở kinh doanh. Hơn nữa đặc điểm quan trọng của VAT là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, chính vì vậy nếu giảm VAT thì cả hai đối tượng này cùng hưởng lợi. Tóm lại nếu có thể, tôi cho rằng nên điều chuyển những khoản hỗ trợ lãi suất sang các mục tiêu khác như y tế, giáo dục, hay giảm VAT đồng loạt thì sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế tốt hơn” – TS Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm

Ngoài tác động hỗ trợ nền kinh tế, gói 340.000 tỷ đồng cũng đồng thời mang lại một số hệ quả về rủi ro lạm phát, nợ xấu. Do đó để giảm nguy cơ nợ xấu và không gây sức ép quá cao lên lạm phát, chuyên gia này khuyến nghị không nên bơm tiền thông qua hỗ trợ lãi suất; đảm bảo kiểm soát được nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; đồng thời cần giảm bớt gánh gánh nặng cho chính sách tiền tệ, tăng trọng số của chính sách tài khoá. “Những điều chúng ta đang làm trong chính sách tiền tệ là đúng hướng. Tôi tin là một khi Ngân hàng Nhà nước giữ mặt bằng lãi suất thấp, giữ an toàn của hệ thống tài chính, tiền tệ, đảm bảo thanh khoản, kiểm soát nợ xấu để không gây ra đổ vỡ như hai năm qua là đã hoàn thành sứ mệnh. Sau đó nên để thị trường vận hành theo quy luật vốn có của nó. Thực tế chúng ta không thể nào tránh được sự gia tăng lạm phát trong năm 2022, vì vậy cần tìm cách giảm nợ xấu và không gây thêm nhiều sức ép lên chính sách tiền tệ bởi gánh nặng của chính sách tiền tệ năm nay chắc chắn sẽ lớn hơn so với năm ngoái” – người đứng đầu Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh.

Nguyệt Anh