Chuyên gia hiến kế giúp “đầu tàu” kinh tế Tp.HCM lấy lại đà tăng trưởng

Bốn “chân kiềng” xây dựng, bất động sản, công nghiệp, dịch vụ lung lay khiến tăng trưởng của Tp.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7% – thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây (ngoại trừ giai đoạn dịch).

Một trong những dự án vướng mắc về pháp lý tại TP HCM. Dự án này tại quận 1, đã thi công đến tầng 28 nhưng gặp vướng liên quan nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất. Ảnh: Quỳnh Trần

Sự suy sụp của các trụ cột

Hậu Covid – 19, ngành xây dựng và bất động sản cũng chuyển từ trạng thái “đóng băng” sang tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mức tăng GRDP 9% của Tp.HCM, cao hơn con số 8% của cả nước. Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, từ cuối năm 2022 thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc do ảnh hưởng của khủng hoảng trái phiếu cùng với việc lãnh đạo một số doanh nghiệp địa ốc lớn vướng vào vòng lao lý.

Theo dữ liệu của Công ty Nghiên cứu đa quốc gia Cushman & Wakefield, trong quý IV/2022 thanh khoản căn hộ chỉ còn 70% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá đã giảm từ 40-50%. Bước sang quý I/2023, xây dựng và kinh doanh bất động sản cùng tăng trưởng âm gần 20% – thuộc những nhóm ngành suy giảm nặng nề nhất. “Thở oxy” là từ mà ông Đinh Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Tp.HCM (SACA) dùng để miêu tả tình trạng hiện tại của 40% doanh nghiệp trong ngành. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải sa thải, hoặc cho người lao động chỉ làm việc 2-3 ngày mỗi tuần.

Mặc dù chỉ chiếm 3,7% GRDP Thành phố nhưng bất động sản – xây dựng là những ngành có tác động lan tỏa. Chính vì vậy hai lĩnh vực trụ cột này tê liệt đã kéo theo sự suy giảm của ngành công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể với ngành công nghiệp, từ giữa năm 2022 đơn hàng xuất khẩu đã dần cạn kiệt do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ suy giảm. Bước sang quý I/2023, 70% ngành công nghiệp quan trọng đều suy giảm, sâu nhất là các lĩnh vực truyền thống gồm may mặc, da giày – khoảng 20%. Khảo sát nhanh của Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) cuối tháng 2 cho thấy chỉ còn khoảng 65% doanh nghiệp duy trì được lương tháng bình quân từ 10 triệu đồng; trong khi thời điểm giữa năm 2022 tỷ lệ này là 80%.

Thu nhập giảm, người lao động thắt chặt hầu bao, ngành dịch vụ vốn chiếm 2/3 cơ cấu kinh tế Thành phố cũng lao dốc không phanh. Đại diện Guardian – chuỗi bán lẻ có gần 80 cửa hàng ở TP HCM dẫn chứng, kể cả với sản phẩm thiết yếu như dầu gội, người tiêu dùng cũng chọn thương hiệu giá rẻ hơn trước.

Theo TS Phạm Thị Thanh Xuân – Chủ trì nhóm nghiên cứu báo cáo kinh tế hàng quý của Đại học Kinh tế – Luật Tp.HCM, lương đi xuống, giá cả đi lên cùng đánh vào nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tình hình tại Tp.HCM càng khó khăn do lạm phát cao hơn các địa phương khác, vì độ mở kinh tế lớn nhất cả nước.

Quý I/2023 lần đầu ghi nhận sức mua của Tp.HCM tăng thấp hơn cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi toàn quốc tỷ lệ này là 14%. TS Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế theo sát Tp.HCM từ những năm 80 đã phải ngậm ngùi thốt lên: “Chưa bao giờ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ của Thành phố chỉ bằng 1/3 cả nước”.

Kinh tế quý I xuống đáy

Bốn “chân kiềng” xây dựng, bất động sản, công nghiệp, dịch vụ lung lay khiến tăng trưởng của Tp.HCM trong quý I/2023 chỉ đạt 0,7% – thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây (ngoại trừ giai đoạn dịch). Tuy nhiên TS Phạm Thị Thanh Xuân cho biết nếu trừ mức lạm phát 4,5% thì kinh tế Thành phố sẽ tăng trưởng âm chứ không phải chỉ dừng lại ở con số 0,7%. Sức khỏe của “đầu tàu” kinh tế cả nước hiện tại chỉ tương đương 80% năm 2019 – mức trước dịch.

Kinh tế quý I xuống đáy là nguy cơ đã được các chuyên gia chỉ ra cho Tp.HCM từ cuối năm 2022. Để ứng phó, lãnh đạo Thành phố nhiều lần đôn đốc các Sở, ban ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, coi đây như giải pháp “nhóm lại bếp lửa” khi tiền của dân và doanh nghiệp đang chập chờn sắp “tắt”.

Tuy nhiên bất chấp mọi nỗ lực, 3 tháng đầu năm Tp.HCM chỉ giải ngân được 4% vốn đầu tư công, khoảng 1.608 tỷ đồng trong tổng số 43.450 tỷ đồng vốn phải tiêu trong 2023. Trong khi đó hai địa phương có quy mô kinh tế nhỏ hơn nhiều so với Tp.HCM là Tp.Đà Nẵng có mức chi đầu tư phát triển đạt gần 4.000 tỷ đồng và Hải Phòng đạt hơn 3.200 tỷ đồng.

Cùng với giải ngân vốn đầu tư công chậm thì vướng mắc về thủ tục hành chính cũng khiến doanh nghiệp buồn lòng; trong đó đất đai và xây dựng vẫn là hai lĩnh vực hành chính bị doanh nghiệp đánh giá thấp nhất. Khi được khảo sát ý kiến, gần 60% đơn vị cho biết hiệu quả hỗ trợ của cơ quan quản lý hai mảng này ở mức kém và trung bình.

Kết quả công bố Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, Tp.HCM sụt giảm tới 13 bậc, xuống vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành và xếp nhóm gần chót nhiều hạng mục trong cấu phần PCI.

Khuyến nghị từ các chuyên gia

Theo các chuyên gia, nếu Tp.HCM nghẽn về tiền thì yêu cầu tiên quyết là phải khơi lại được dòng tiền. Tuy nhiên thời gian qua các giải pháp kích cầu, khuyến mãi để tăng sức mua của Sở Công Thương vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Trước tình hình trên, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp Đỗ Hòa khuyến nghị Thành phố cần dành ưu tiên cho việc hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Nếu việc giảm thuế, phí thuộc thẩm quyền cấp Trung ương thì giải pháp Tp.HCM có thể triển khai ngay là tạm thời nới lỏng quy định quản lý đô thị như tăng thời gian, các tuyến đường xe chở hàng, khách du lịch được lưu thông. Giải pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, từ đó hạ giá thành sản phẩm và gia tăng doanh thu trong giai đoạn khó khăn hiện tại.

Ngoài ra đặt trong bối cảnh sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc vào “sức khỏe” của các nền kinh tế lớn trên thế giới, các chuyên gia khuyến nghị Tp.HCM chỉ có thể làm chủ một công cụ là đầu tư và đây cũng chính là giải pháp tối ưu để đưa tiền vào nền kinh tế. Đây cũng chính là quan điểm của Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi rằng khi khó khăn phải tập trung vào những gì đang có trong tay và ưu tiên hàng đầu vẫn là đầu tư công, tiếp theo là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của khu vực tư nhân.

Từ đây đến cuối năm 2023, Tp.HCM còn khoảng 42.500 tỷ đồng vốn ngân sách chờ chi tiêu. Tuy nhiên theo TS Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM, Thành phố cần vốn và cơ chế mới có thể giải ngân dòng tiền này. Ông Thắng cho rằng Thành phố không thiếu nhân tài nhưng mấu chốt nằm ở lòng tin của cán bộ công chức. Thời gian qua yêu cầu dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng phạm vi cho phép lại chưa được xác định cụ thể. Kết quả là cán bộ chỉ làm theo đúng quy trình, tiến độ đã được giao, hạn chế nguy cơ bị yêu cầu giải trình, kiểm điểm. “Chính quyền thường giải thích việc tiêu tiền chậm vào quý đầu năm là đúng kế hoạch do giai đoạn này thường làm thủ tục, tiền chưa ra khỏi Kho bạc Nhà nước dù dự án vẫn có tiến triển. Cách giải thích này không sai nhưng bối cảnh hiện tại đòi hỏi sự đột phá của đội ngũ cán bộ. Sao cứ phải thận trọng, bám theo kế hoạch mà không chạy nhanh, chạy mạnh ngay từ đầu năm? Làm càng nhanh, càng tốt cho nền kinh tế; nếu càng kéo dài thì tổn thất càng lớn. Hãy khen thưởng cho những người làm vượt tiến độ” – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM khuyến nghị

Con số tăng trưởng 0,7% không chỉ là nhức nhối của riêng Tp.HCM mà còn là vấn đề chung của cả nước bởi với vai trò đóng góp hơn 25% tổng ngân sách, việc Tp.HCM chậm phục hồi sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, ông Thắng đề xuất Trung ương nên giao quyền tự quyết mạnh hơn cho Tp.HCM và bản thân Thành phố cũng phải có sự tự chủ cao hơn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng những người chịu trách nhiệm dường như đang ngần ngại nên cần có chính sách khuyến khích thích đáng. Ngoài ra Trung ương cũng cần đặt nặng chính sách tăng trưởng hơn, tức ưu tiên nới lỏng bằng việc tiếp tục giảm lãi suất và cắt giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.

Xoay quanh 42.500 tỷ đồng vốn ngân sách chờ chi tiêu, TS Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Đại học Kinh tế Tp.HCM cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần công bố định hướng điều hành chính sách tiền tệ rõ ràng để giải phóng nguồn tiền bởi khi người dân, doanh nghiệp còn mù mờ về xu hướng lãi suất, không rõ tăng – giảm thì họ không thể lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư hiệu quả. Đến khi chính sách được ban hành, doanh nghiệp mới bắt tay vào làm, tác động đến nền kinh tế sẽ có độ trễ lớn. “Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành thì các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang dần chậm lại. Đây là cơ hội để Tp.HCM giải quyết các vấn đề hiện có, lấy lại tốc độ phát triển trước khi các biến động mới ập đến” – ông Huân lưu ý.

Về phía TS Trần Du Lịch, ông cho biết năm 2023 Tp.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8% nhưng đến nay khi đã đi hết ¼ chặng đường, GRDP của “đầu tàu” kinh tế cả nước mới chỉ tăng 0,7%. Điều này đồng nghĩa với 9 tháng còn lại của năm Thành phố sẽ phải chạy hết tốc lực, tăng trưởng đều đặn hai chữ số để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Cũng theo vị chuyên gia này, để đi lên từ đáy tăng trưởng quý I, Tp.HCM cần chọn đúng ưu tiên và giải quyết sự trì trệ của bộ máy; phải phân bổ, tính toán cụ thể công việc phải làm của từng tháng, từng ngày. Có như vậy toàn hệ thống mới có sự chuyển biến đi lên…

Tuấn Nguyễn