Chuyển đổi số – “Bệ phóng” nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Nghị quyết đặt ra yêu cầu tập trung hoàn thành mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021

So với Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020), Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 hướng trực diện vào giải quyết các vướng mắc về đất đai, đầu tư và tăng cường chuyển đổi số; trong đó tập trung vào các nhóm chỉ số, chỉ tiêu cụ thể gồm: cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, chất lượng quản lý hành chính đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát tham nhũng, chất lượng đào tạo nghề, môi trường sinh thái bền vững.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quốc gia đã được Chính phủ khẳng định tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2021 yêu cầu chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; ưu tiên các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung thực hiện: cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); đẩy mạnh tiến độ thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra Nghị quyết cũng yêu cầu giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường; thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật. Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể để tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu có tính chất nền tảng nhưng khó cải thiện trong thời gian ngắn như bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều, phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa…; phấn đấu giữ vững và cải thiện thứ hạng phát triển bền vững. Đồng thời tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, đã có 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (63%), 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (68%) được cắt giảm, đơn giản hóa; góp phần tiết kiệm chi phí xã hội với hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Sau hơn một năm đi vào vận hành, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến, hơn 100,5 triệu lượt truy cập; hơn 27,5 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ lên cổng và hơn 744.800 hồ sơ được thực hiện trực tuyến. Dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ, ngành và 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã có hơn 48.000 lượt giao dịch thành công qua Cổng… Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng từ khi khai trương đến nay là khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.

Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan trung ương, địa phương với hơn 3,8 triệu văn bản điện tử, chi phí tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và phục vụ xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã phục vụ 24 phiên họp Chính phủ, thay thế hơn 225.000 hồ sơ, phiếu lấy ý kiến Thường vụ Chính phủ, giúp tiết kiệm mỗi năm khoảng 169 tỷ đồng. Ngoài ra, số văn bản quy định chi tiết nợ đọng, chậm ban hành giảm thấp nhất từ trước đến nay.

Những nỗ lực không mệt mỏi trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; Xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn kinh tế thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN. Trong 5 năm trở lại đây, năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 63; hiệu quả logistics tăng 25 bậc, xếp thứ 39; đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 17 bậc, xếp hạng 42. Đặc biệt, xếp hạng về phát triển bền vững tăng 34 bậc, từ vị trí 88 năm 2016 lên 49 năm 2020.

Ngọc Tỷ