Chủ động nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của ngành

Dù sở hữu tiềm năng rất lớn song thời gian qua phát triển ngành dịch vụ logistics trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao…Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do sự thiếu hụt nguồn nhân lực logistics, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới

Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại diến đàn (Ảnh: Cấn Dũng)

Bộc lộ nhiều điểm yếu

Ông Trần Tuấn Anh – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Ngoài ra Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở top đầu trong số các thị trường logistics mới nổi với tốc độ tăng trưởng đạt 14 – 16%.

Nhấn mạnh sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất nhập khẩu những năm qua mang đến tiềm năng lớn đồng thời đặt ra những thách thức cho ngành logistics Việt Nam, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cũng đồng thời chỉ rõ dưới tác động của dịch Covid-19, những điểm yếu cố hữu của ngành logistics trong nước tiếp tục bộc lộ rõ hơn như: chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, ước chiếm hơn 20% GDP; sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics trong nước còn yếu, chưa hình thành mạng lưới để thúc đẩy ngành phát triển; chuyển đổi số trong ngành logistics còn chậm; sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, thái độ cũng như trạng thái tâm lý của nhân lực logistics Việt Nam để sẵn sàng đón nhận làn sóng di chuyển lao động giữa các nước ASEAN cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn chưa cao; nguồn nhân lực ngành logistics còn thiếu và yếu (chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của thị trường), chưa theo kịp sự phát triển của logistics thế giới; doanh nghiệp logistics Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn nhưng đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cung cấp những dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các doanh nghiệp logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần cao hơn…

Để khắc phục những bất cập trên, yêu cầu đặt ra là vừa phải có các giải pháp duy trì sức chống chịu bền bỉ, đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp đặc biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, tạo ra những bước đột phá cho thúc đẩy phục hồi kinh tế – xã hội trong những năm 2022-2023 và cho cả giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030

Gỡ nút thắt

Theo ông Trần Tuấn Anh, việc phát triển ngành logistics nói chung – nhân lực ngành logistics nói riêng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công Thương mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp; trong đó các cấp, các ngành cần chú trọng nâng cấp và phát triển hạ tầng logistic, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics… tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics.

Về phía Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan sớm cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistic; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic đến năm 2025 ban hành tại Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Sớm tham mưu điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005, cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục kiên trì các giải pháp giảm chi phí logistics thông qua việc xử lý các điểm hạn chế của chuỗi cung ứng (năng suất các cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa, kho bãi và điểm trung chuyển; quy hoạch vận tải đa phương thức thúc đẩy phát triển nhanh các phương thức vận tải hàng hóa chi phí thấp).

Song song đó Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam để không bỏ lỡ các cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh các nước đang phục hồi mạnh mẽ sau khi chuyển sang trạng thái bình thường mới hiện nay. Nghiên cứu, tham mưu kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics để phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương, kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tận dụng, khai thác có hiệu quả quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 bởi chuyển đổi số chính là nền tảng quan trọng, là động lực thúc đẩy thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh ngành logistics trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức như hiện nay.

“Con người là vốn quý của doanh nghiệp”, chính vì vậy cần chú trọng phát huy tối đa nguồn lực con người với vai trò là trung tâm, chủ thể cho phát triển ngành logistics bền vững. Đồng thời thúc đẩy liên kết và mở rộng hợp tác quốc tế có hiệu quả trong phát triển dịch vụ logictics cũng như đào tạo nhân lực logistics; tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với Việt Nam; tăng cường hợp tác công – tư trong xây dựng và phát triển các trung tâm logistic tại nước ngoài, nhất là tại các thị trường đối tác chiến lược.

Bảo Ngọc