Chính sách vĩ mô phát triển kinh tế thị trường
Đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn, chúng ta cần phải có gói đồng bộ giải pháp ngắn hạn và dài hạn để bảo đảm có hiệu ứng lan tỏa tích cực vĩ mô cho cả nền kinh tế hơn là chỉ có chính sách đơn lẻ có lợi cho một ngành hoặc cá nhân doanh nghiệp.
Thách thức ngày càng nghiêm trọng
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bối cảnh thay đổi của thế giới và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đem lại nhiều cơ hội phát triển mới cho Việt Nam, đặc biệt là những trung tâm đầu mối giao lưu quốc tế của quốc gia như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn gây mất ổn định nền kinh tế vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng.
Dự báo năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Theo báo cáo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới dẫn đến doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động và sức mua của người tiêu dùng giảm.
Thách thức càng nghiêm trọng hơn khi triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới bị đe dọa bởi bệnh dịch, lạm phát, hệ thống tài chính toàn cầu suy yếu trong khi xung đột quân sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy… Hơn nữa, nền kinh tế thị trường với cạnh tranh không lành mạnh, thiếu công bằng cũng như sự thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp và dự án nhà nước đã gây ra sự lãng phí và không phát huy hết tính ưu việt của nền kinh tế thị trường.
Để vận hành hiệu quả nền kinh tế thị trường, Chính phủ tác động đến nền kinh tế bằng hai công cụ chính là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Các chính sách này ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cách sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế nhằm tác động lên tổng cầu nền kinh tế bao gồm chỉ số vĩ mô như tiêu dùng cá nhân, đầu tư tư nhân, đầu tư Chính phủ và xuất khẩu ròng.
Đầu tháng 2 năm 2023, nhận thức rõ thách thức của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP2023 nhằm thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực…
Mặc dù vậy, trước các thách thức nội tại của nền kinh tế mở và tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đến Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng khi giá nguồn vốn sản phẩm (manufactured capital) của nền kinh tế cũng như giá nguyên liệu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng (giá xăng tăng mạnh lên mức cao nhất từ trước đến nay, RON 95 vượt 30.000 đồng/lít). Đặc biệt, giá bán lẻ điện tăng 3% từ ngày 4.5.2023 trong khi các dự báo cho thấy, mùa hè năm nay sẽ nắng nóng kỷ lục không những sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho chi phí sinh hoạt, đi lại… của người dân cũng tăng theo, trong bối cảnh chúng ta cũng đang đứng trước thách thức cải cách chính sách tiền lương cho người lao động. Việt Nam là nước nhập siêu nên khi lạm phát các nước tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu.
Do đó, chúng ta cần phải có gói đồng bộ giải pháp ngắn hạn và dài hạn để bảo đảm có hiệu ứng lan tỏa tích cực vĩ mô cho cả nền kinh tế hơn là chỉ có chính sách đơn lẻ có lợi cho một ngành hoặc cá nhân doanh nghiệp.
6 khuyến nghị chính sách
Thứ nhất, Chính phủ tăng cường các giải pháp hỗ trợ kích cầu trước mắt ngắn hạn như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, bảo đảm củng cố vị thế VNĐ. Chỉ đạo tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người vay vốn, giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 với tổng mức giảm 1,5 – 2%/năm nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ ngân hàng nhà nước cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để tập trung giảm lãi suất cho vay.
Thứ hai, triển khai các chính sách vĩ mô, chính sách đầu tư… đồng bộ với quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và giáo dục, y tế… Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023, nhất là đối với các công trình dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các dự án sản xuất trong nước…
Thứ ba, cải thiện cơ cấu xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa để hoạt động xuất khẩu ổn định và bền vững. Mở rộng đối tác thương mại bao gồm cả các nhà cung cấp và tiêu thụ hàng Việt Nam để giảm bớt sự lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng sang một số thị trường truyền thống và giảm bớt thâm hụt thương mại.
Thứ tư, hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai, minh bạch thị trường bất động sản và tài chính để tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư tư nhân cũng như nước ngoài.
Thứ năm, cần tăng cường chính sách cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo hướng cạnh tranh thị trường lành mạnh, công bằng và tiết kiệm chi phí hoạt động để giảm/giữ giá thành sản phẩm. Phát triển sản xuất công nghiệp nội địa để thay thế dần các đầu vào nhập khẩu bằng các đầu vào sản xuất trong nước để giảm áp lực tỷ giá tăng. Ngoài ra, phải tăng cường đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ sáu, làm tốt công tác dự báo cung – cầu thị trường trên cơ sở tổng kết kết quả thực thi các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường quốc tế; tìm ra các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để Việt Nam có thể ứng phó tốt nhất với những biến động của thế giới và trong nước.
TS. Đoàn Duy Khương