Chính quyền Trump đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ

Ngày thứ 16/12, Chính quyền Trump đã đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, lần đầu tiên cáo buộc hai nước này can thiệp không đúng vào thị trường ngoại hối và gây ra một cuộc đối đầu kinh tế mới với hai đối tác thương mại.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ liệt kê hai quốc gia này vào danh sách thao túng tiền tệ và sẽ yêu cầu Việt Nam và Thụy Sĩ tham gia đàm phán với Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để giải quyết tình hình.

Đây là lần thứ ba chính quyền Trump thực hiện bước đi khá bất thường khi gọi một quốc gia là nước thao túng tiền tệ.

Quyết định đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ được đưa ra vào thời điểm thị trường ngoại hối đang có nhiều biến động, vốn đang bị xáo trộn bởi đại dịch COVID-19. Báo cáo đề cập đến hoạt động từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, bao gồm vài tháng trước khi đại dịch bùng phát.

 Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết trong một tuyên bố: “Bộ Tài chính đã thực hiện một bước đi mạnh mẽ ngày hôm nay để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và cơ hội cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Bộ sẽ theo dõi các phát hiện của mình đối với Việt Nam và Thụy Sĩ để hướng tới việc loại bỏ các hành vi tạo ra lợi thế không công bằng cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài”.

Quyết định đưa Việt Nam vào danh sách nước thao túng tiền tệ là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhắm vào các hoạt động thương mại của Việt Nam. Vào tháng 10, chính quyền đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Việt Nam, cho biết họ sẽ bắt đầu xem xét liệu Việt Nam có phải đã định giá thấp đồng tiền của mình khiến sản phẩm của mình rẻ một cách không công bằng ở nước ngoài, và trong việc nhập khẩu và sử dụng gỗ, mà chính quyền Mỹ cho là hoạt động thu hoạch và buôn bán trái phép.

Mỹ cũng đã đánh một số mức thuế đối với lốp xe Việt Nam vào tháng trước, với lý do đồng tiền bị định giá thấp, lần đầu tiên Bộ Thương mại xem xét giá trị của một loại ngoại tệ trong trường hợp thương mại như vậy.

Nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan và các hạn chế khác đối với hàng hóa từ Trung Quốc, làm tăng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ, theo đại diện thương mại Mỹ và nhiều công ty Mỹ có nhà máy ở đó.

Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam “đã tiến hành can thiệp quy mô lớn và kéo dài, nhiều hơn so với các giai đoạn trước, nhằm ngăn chặn sự tăng giá của tiền đồng” trong bối cảnh thặng dư thương mại song phương với Mỹ ngày càng tăng.

Các nước bị coi là thao túng tiền tệ được cho là sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Mỹ và có thể liên quan đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nếu những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không được giải quyết, Mỹ có thể áp đặt một loạt các hình phạt bao gồm thuế quan.

Mark Sobel, một cựu quan chức Tài chính cấp cao và là chủ tịch của Diễn đàn các định chế tài chính và tiền tệ chính thức, nói rằng bộ dường như đang áp dụng “tiêu chí nâng cao” trong việc đưa ra các chỉ định và xem xét các tình huống giảm nhẹ.

Ông Sobel cho rằng cả Việt Nam và Thụy Sĩ đều không nhất thiết phải hành động để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Việt Nam nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và đồng franc Thụy Sĩ thường phải đối mặt với áp lực tăng giá do vị thế của nó như “tài sản trú ẩn an toàn” trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Bộ Tài chính Mỹ thường đưa ra báo cáo tiền tệ hai lần một năm, vào tháng 4 và tháng 10. Báo cáo nhắc đến vai trò của bộ trong việc ứng phó với đại dịch là lý do dẫn đến việc không có báo cáo nào được công bố kể từ tháng 1/2020.

Bảo Ngọc