Chinh phục thị trường EU – Điều kiện tiên quyết là phải đi từ nội lực và quyết tâm đổi mới của chính doanh nghiệp

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, đúng ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên điều này không làm suy giảm sức hấp dẫn của EVFTA mà ngược lại càng làm cho Hiệp định thêm nổi bật. Yếu tố tiên quyết ở đây là các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước chinh phục thành công thị trường EU và lấy đó làm bàn đạp để tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Báo Les Echos nhận định lệnh phong tỏa, cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới đã đẩy giá cũng như nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan (sản xuất từ cà phê robusta) tăng lên đáng kể. Trong khi đó, Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu loại cà phê này nên có rất nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Theo phân tích của báo Les Echos, trong khi giá cà phê chè (arabica) giảm xuống thì giá cà phê hòa tan lại tăng lên đáng kể và xu hướng này vẫn tiếp tục trong trung hạn xuất phát từ yêu cầu làm việc tại nhà trong mùa dịch. Tuy nhiên doanh nghiệp cà phê Việt có nắm bắt và khai thác được xu hướng này hay không hãy còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Cùng với câu chuyện cà phê hòa tan của Les Echos thì cà phê hội nghị – loại cà phê vốn không được các tín đồ cà phê ưa chuộng nay bỗng lên ngôi cho thấy một câu chuyên to lớn hơn là chuyện kinh doanh giữa mùa dịch khi mà Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với doanh nghiệp Việt đã có một cánh tay nối dài để khai mở thị trường EU song khai mở thế nào, kinh doanh thế nào là vấn đề mà doanh nghiệp phải đi tìm câu trả lời xác đáng.

Cũng xoay quanh chủ đề cơ hội trong đại dịch, tại một hội thảo về đổi mới mô hình kinh doanh và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 7/2020, ông Stephen Bùi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam -Hàn Quốc cho biết chỉ trong vòng mấy tháng mùa dịch mà có đến mấy công ty nhỏ chuyên về trang thiết bị y tế tại Hàn Quốc bỗng nhảy vọt lên trở thành công ty “tỷ đô” khiến thương trường xứ kim chi không khỏi ngạc nhiên.

Mặc dù đây là điều hiếm thấy song nó cũng đồng thời minh chứng cơ hội lúc nào cũng có, vấn đề là doanh nghiệp có đủ tầm và sự liều lĩnh để biến cơ hội thành thành công thật sự hay không. “Không chỉ với doanh nghiệp Hàn Quốc, điều này cũng hoàn toàn có thể xảy ra với các doanh nghiệp Việt” – ông Stephen Bùi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực và nhóm cộng sự cũng đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp một số xu hướng mới về đầu tư kinh doanh giữa mùa dịch Covid-19, nổi bật có thể kể đến các xu hướng: đầu tư vào những tài sản an toàn hơn; mua – bán, sáp nhập (M&A); cắt giảm chi phí và nhân sự; cấu trúc lại chuỗi cung ứng và đầu tư; áp dụng công nghệ và thay đổi cách thức làm việc; định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với tâm lý và hành vi người tiêu dùng….

Liên quan đến xu hướng định hình lại cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với tâm lý và hành vi người tiêu dùng, tại Hội nghị toàn quốc về triển khai Hiệp định EVFTA, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thành Hưng đã chia sẻ một vấn đề rất đáng quan tâm chính là sự gia tăng xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới tại khu vực EU. Ông Hưng nêu dẫn chứng khi được khảo sát, 71% người tiêu dùng EU cho biết họ sẽ mua hàng xuyên biên giới ở EU; 82% cho biết sẽ mua sản phẩm của thương hiệu quảng cáo bằng ngôn ngữ của nước họ. Qua đây có thể rút ra kết luận điều doanh nghiệp cần làm là khai thác tốt dữ liệu số, nền tảng số. Đây mới chính là cơ hội thực cho doanh nghiệp.

Việt Nam được ca ngợi là một điển hình thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và hiển nhiên doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể trở thành một ví dụ về thành công trong kinh doanh giữa mùa dịch. Trong bối cảnh đó, Hiệp định EVFTA với những ưu đãi vượt trội cũng chỉ là yếu tố hỗ trợ.

Yếu tố tiên quyết ở đây vẫn phải đi từ nội lực và quyết tâm đổi mới của chính doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước chinh phục thành công thị trường EU và lấy đó làm bàn đạp để tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Anh Thy