Chiến lược zero-Covid của Trung Quốc tổn hại đến chi tiêu người tiêu dùng

Các nhà kinh tế cho rằng  chính sách zero-Covid của Trung Quốc để kiểm soát đại dịch ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhiều hơn là các nhà máy.

Khi chính quyền địa phương áp đặt nhiều hạn chế đi lại hơn và một số phong tỏa để ngăn chặn biến thể omicron, các nhà phân tích đang chuyển sang dự báo thận trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm của Trung Quốc vào thứ Ba.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đang tập trung vào tác động đến chi tiêu tiêu dùng vốn đã chậm chạp của Trung Quốc.

Khả năng lây lan cao của Omicron có nghĩa là chi phí của chính sách zero-Covid của Trung Quốc đang tăng lên, trong khi lợi ích lại giảm, theo Ting Lu, Trưởng nhóm Kinh tế Trung Quốc của Nomura cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai. Ông lưu ý rằng trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, hoạt động kinh doanh vẫn chưa phục hồi như trước đại dịch và các nhân viên trong ngành có thể đang rút tiền tiết kiệm và chi tiêu ít hơn.

Về mặt tích cực, chiến lược zero-Covid, cộng với khả năng huy động mọi nguồn lực của Bắc Kinh, được cho là đã mang lại lợi ích đáng kể cho người dân và nền kinh tế của họ, với số người chết chính thức chỉ là 4 người kể từ giữa tháng 4 năm 2020, và tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng 31,0% [so với cùng kỳ năm ngoái] trong 11 tháng đầu năm.

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, chính sách của Trung Quốc đã sử dụng biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại – cho dù trong thành phố hay với các quốc gia khác – để kiểm soát dịch. Sau khi suy thoái trong quý đầu tiên, quốc gia này đã trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm đó.

Theo phân tích của Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng China, tác động lớn nhất của chính sách zero-Covid là đối với các khách sạn và nhà hàng. Nghiên cứu của cô cho thấy, sản xuất và nông nghiệp bị ảnh hưởng ít nhất và đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng.

Sản xuất công nghiệp tăng 2,8% vào năm 2020 và tăng 10,1% trong 11 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ tăng vào tháng 12, theo một thước đo chính thức được gọi là Chỉ số người quản lý mua hàng.

Các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân theo chính sách zero-Covid cho đến hết năm nay do các sự kiện chính trị quan trọng, từ Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai đến cuộc họp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến ​​vào mùa thu.

Điều đó tạo thêm áp lực cho các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương, những người thường bị sa thải sau một loạt các ca mắc Covid-19 trong thành phố của họ.

Chính sách nghiêm ngặt đã trở nên nhạy cảm về mặt chính trị theo những cách khác. Công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ vào ngày 3 tháng 1 đã nêu tên rủi ro hàng đầu cho năm 2022 là việc Trung Quốc không đạt được zero-Covid, yêu cầu phong tỏa nghiêm trọng hơn và làm gia tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.

Việt Hà