Chi tiêu mùa lễ hội cuối năm – Dự báo bức tranh ảm đạm…

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng là nguyên nhân khiến người Mỹ thắt chặt chi tiêu hơn trong mùa lễ hội cuối năm. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế vốn tồn tại dựa vào tiêu dùng của người dân này.

Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, mùa mua sắm dịp lễ – thường kéo dài trong tháng 11 và tháng 12 – chiếm khoảng 20% doanh số bán lẻ hàng năm.

Chi tiêu cho bán lẻ chiếm khoảng 25% chi tiêu của người tiêu dùng trong một năm điển hình. Do ảnh hưởng của Covid – 19 nên các chuyên gia dự đoán năm 2020 này doanh số bán lẻ sẽ tăng trưởng ít hoặc không tăng so với năm 2019.

Theo Kinh tế trưởng của RSM Mỹ – ông Joe Brusuelas, doanh số bán lẻ sẽ chỉ tăng khoảng 0,5% do nhiều nguyên nhân, một phần là do Quốc hội chưa thông qua gói viện trợ mới.

Còn bà Sucharita Kodali – nhà phân tích tại Forrester Research thì đưa ra dự đoán trong mùa lễ hội năm nay, doanh thu chi tiêu bán lẻ sẽ tương đương với năm ngoái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân ngại ra đường nên doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng 20% đến 25%. Tuy nhiên lượng khách ghé thăm các cửa hàng giảm mạnh cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh số chung.

Vì tình hình chi tiêu cuối năm nay rất khó dự đoán nên một số tổ chức không dám đưa ra bất kỳ dự báo nào. Thậm chí Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đã trì hoãn việc công bố dự báo mùa mua sắm cuối năm với lý do thiếu các chỉ số kinh tế rõ ràng và xuất hiện thêm nhiều biến số khác (cuộc bầu cử Tổng thống; khả năng tái bùng phát của dịch Covid-19…).

Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung vẫn xuất hiện những tín hiệu hết sức lạc quan: các hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình – khá đã trả bớt các khoản nợ của mình và tăng cường tiết kiệm, tạo ra bộ đệm tài chính; tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ13.390 tỷ USD trong tháng 2 lên 15.720 tỷ USD trong tháng 9…”Đó là số tiền mà mọi người tiết kiệm được do không phải chi tiêu cho ăn ngoài hay du lịch. Đây thực sự là điều bất khả thi trong suy thoái, khi mà đáng ra tài chính của các hộ gia đình sẽ suy yếu hơn. Với triển vọng này, tôi dự đoán doanh số bán lẻ sẽ tăng 5% trong mùa lễ hội cuối năm”, Calvin Schnure – nhà kinh tế cấp cao tại Nareit cho hay.

Tương tự ông Calvin Schnure, nhà kinh tế học tại IHS Markit – ông James Bohnaker cũng đưa ra dự báo rằng doanh số bán lẻ trong dịp lễ sẽ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và bày tỏ kỳ vọng một số gói viện trợ sẽ được thực thi trước cuối năm.

Về phía các nhà bán lẻ, để thúc đẩy mùa mua sắm cuối năm sớm hơn, họ đã khởi động hệ thống đặt hàng trước, qua đó vừa hạn chế sự đông đúc tại các cửa hàng vừa giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng, tránh tình trạng tắc nghẽn.

Sau chuỗi ngày đen tối, tình hình mua sắm thời gian gần đây đã khởi sắc trở lại với doanh số bán lẻ trong tháng 9/2020 tăng 1,9% so với tháng trước. Ông Brandon Stephens – Chủ tịch Christmas Decor, một thương hiệu kinh doanh đồ trang trí nhượng quyền tại Texas đặt rất nhiều kỳ vọng vào mùa mua sắm cuối năm. “Người dân đang tập trung vào sửa sang nhà cửa, chăm lo cho gia đình cũng như tìm kiếm thứ gì đó mang lại cho họ niềm hy vọng” – ông Brandon Stephens nhận xét.

Về dài hạn, các nhà kinh tế cho rằng người dân chỉ có thể tiếp tục chi tiêu một khi họ kiếm được tiền. Điều này đồng nghĩa với tăng trưởng chi tiêu những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng việc làm vốn đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, chưa kể số lượng nhân viên bị sa thải vĩnh viễn ngày càng tăng. Đại dịch cũng đang thay đổi bản chất của công việc thời vụ này; do mua sắm trực tuyến tăng mạnh nên tỷ lệ việc làm liên quan đến thương mại điện tử cũng tăng gấp ba lần so với các năm trước.

Ông Mathieu Stevenson – CEO Snagajob, một nền tảng công việc theo giờ trực tuyến cho biết các cửa hàng truyền thống đang tạo ra các công việc mới như: cộng tác viên vệ sinh, nhân viên kiểm tra thân nhiệt và giám sát số lượng người mua sắm được phép vào cửa hàng cũng như đảm bảo giãn cách của khách hàng….

Kim Sơn