Chỉ số PMI tháng 10 tăng, nền kinh tế Việt Nam đang dần “khỏe” lên

Trong tháng 10/2021, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã bật tăng lên trên ngưỡng 50 điểm (ngưỡng xác nhận sự mở rộng hay thu hẹp của lĩnh vực sản xuất). Đây là tín hiệu cho thấy lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang dần khởi sắc trở lại sau thời kỳ đen tối

PMI tháng 10 của Việt Nam đã trở lại ngưỡng 50 điểm sau bốn tháng giảm liên tiếp. Ảnh: IHS Markit

Cụ thể theo báo cáo vừa được IHS Markit công bố, trong tháng 10/2021 PMI Việt Nam đạt 52,1 điểm sau khi chỉ đạt 40,2 điểm trong tháng 9…. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện, hoạt động sản xuất dần đi vào quỹ đạo của sự ổn định trong trạng thái bình thường mới, kết thúc chuỗi 4 tháng liên tiếp chỉ số PMI sụt giảm.

Báo cáo của IHS Markit nêu rõ tình hình đại dịch được cải thiện và kéo theo đó là việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đã giúp lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại. Trong tháng 10, bên cạnh những công ty tái khởi động sản xuất thì những đơn vị khác cũng thực hiện tăng sản lượng nhằm đáp ứng hiệu quả số lượng đơn đặt hàng mới ngày càng tăng từ phía các đối tác. Kết quả là sản lượng được ghi nhận tăng lần đầu tiên trong năm tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng mạnh trở lại khi các nhà sản xuất và khách hàng của họ đều khôi phục hoạt động.

Sự cải thiện của tình hình đại dịch cũng cho phép các công ty hưởng lợi từ tình trạng nhu cầu tăng trên thị trường quốc tế mà biểu hiện cụ thể nhất chính là sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới kể từ tháng 5 đến nay. Cũng trong tháng 10, các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, niềm tin kinh doanh từng bước khôi phục khi đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư dần được kiểm soát.

Theo ghi nhận của Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, sản lượng và đơn hàng tăng cao giúp các công ty tự tin hơn cũng như có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng sắp tới. Tuy nhiên đà tăng trưởng vẫn có thể bị kìm hãm bởi những bất cập còn tồn đọng từ đợt tái bùng phát dịch gần đây.

Đầu tiên phải kể đến những nút thắt trong hoạt động logistics và chuỗi cung ứng vẫn chưa được tháo gỡ gây khó khăn cho việc tìm kiếm nguồn hàng và phân phối sản phẩm. Chi phí đầu vào cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2011 và là một trong những mức tăng mạnh nhất trong lịch sử khảo sát. Để đối phó với điều này, các nhà sản xuất buộc phải tăng giá bán hàng. Những nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của tình trạng tăng giá có thể xảy ra trong tương lai đã khuyến khích các công ty tăng tồn kho hàng hóa đầu vào tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10. Điều này đã được hỗ trợ thêm bởi hoạt động mua hàng tăng mạnh trở lại với tốc độ tăng gần kỷ lục.

Cuối cùng phải kể đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, một số công ty vẫn chờ đợi lực lượng công nhân hồi hương quay trở lại làm việc. Tình trạng khan hiếm lao động khiến lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng; ngoài ra số lượng đơn đặt hàng mới tăng cũng góp phần tạo thêm áp lực lên công suất sản xuất. “Hy vọng những khó khăn này sẽ giảm bớt khi lĩnh vực sản xuất quay trở lại trạng thái bình thường trong những tháng tới” – Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit cho hay.

Bảo Ngọc