Chỉ số PMI dưới ngưỡng 50 điểm phản ánh các điều kiện kinh doanh ngành sản xuất tiếp tục suy giảm
Trong hai tháng cuối của năm 2022, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam đã suy giảm mạnh hơn và đều dưới ngưỡng 50 điểm; qua đó phần nào cho thấy điều kiện kinh doanh ngành sản xuất không mấy khả quan khi nhu cầu tiêu thụ cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế đều suy giảm
Chỉ số PMI được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50.
Nghiên cứu của S&P Global Market cho thấy trong tháng 11/2022 Chỉ số PMI của Việt Nam giảm xuống 47,4 điểm và tháng 12 tiếp tục giảm xuống mức 46,4 điểm. Đây là lần thứ hai liên tiếp PMI của Việt Nam nằm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm và mức giảm lần này là đáng kể nhất kể từ đợt suy thoái liên quan đến đại dịch Covid-19 được ghi nhận trong quý III/2021.
Theo ông Andrew Harker – Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn một phần do sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Trung Quốc, EU và Mỹ. “Dữ liệu chỉ số PMI cho thấy sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng giảm mạnh hơn, số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm đáng kể. Tình hình này buộc các nhà sản xuất phải tìm biện pháp đối phó bằng cách cắt giảm sản lượng tháng thứ hai liên tiếp cũng như giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng” – ông Andrew Harker cho hay
Nghiên cứu của S&P Global Market cũng cho thấy trong tháng 12/2022 niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng sản lượng trong một năm dù có cải thiện song vẫn ở mức thấp. Một số thành viên nhóm khảo sát bày tỏ lo ngại rằng các khó khăn, thách thức của thị trường vẫn sẽ tồn tại trong năm 2023. Trong khi đó một số người tham gia khảo sát bày tỏ sự lạc quan rằng nhu cầu tiêu dùng sẽ sớm phục hồi tạo đòn đẩy thúc đẩy số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng lên
S&P Global Market Intelligence đưa ra dự báo sản lượng công nghiệp Việt Nam năm 2023 sẽ tăng 6,8%, thấp hơn so với năm ngoái. Trước đó HSBC đưa ra nhận định Việt Nam thâm nhập sâu vào hệ sinh thái sản xuất toàn cầu nên khó tránh khỏi những tác động khi thương mại thế giới chững lại, thậm chí Việt Nam còn nằm trong nhóm “đứng mũi chịu sào” xét về mức độ tác động. Cụ thể khi Chỉ số PMI toàn cầu liên tục giảm từ tháng 5/2021 và đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9/2022 với số lượng đơn hàng sụt giảm, nhiều cơ sở sản xuất tại Việt Nam cũng rơi vào tình trạng ít đơn hàng hoặc không có đơn hàng và buộc phải giảm giờ làm. Thống kê cho thấy kể từ tháng 9/2022, đã có 630.000 công nhân bị ảnh hưởng với khoảng 90% phải giảm giờ làm.
Nhật An