Chỉ lối cho doanh nghiệp thâm nhập thành công thị trường Nam Á

Với quy mô dân số đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong thập kỷ qua là 4,8%, Nam Á được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt là Bangladesh và Ấn Độ – 2 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực này.

Tiềm năng rộng mở

Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Nam Á; ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới của Ấn Độ. Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn từ 200 triệu USD năm 2000 lên 12,3 tỷ USD trong năm tài chính 2019-2020. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 11 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãnh đạo hai nước cũng đã nhất trí sẽ phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD/năm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất, duy trì sự ổn định của các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…

Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết quốc gia đông dân nhất thế giới có sức mua gần 1,4 tỷ người, cao gấp hơn 2 lần ASEAN. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ đạt khoảng 2.200 USD, chính vì vậy đây được đánh giá là một thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng của Việt Nam với dải sản phẩm trải rộng từ những sản phẩm yêu cầu chất lượng thấp, trung bình cho đến cao cấp. Yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải xác định rõ phân khúc khách hàng muốn hướng tới để từ đó vạch hướng tiếp cận và chinh phục khách hàng cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Một thị trường khác cũng giàu tiềm năng không kém Ấn Độ chính là Bangladesh. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,4% trong 10 năm qua, Bangladesh được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Nam Á. Đặc biệt trong năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng âm do tác động của đại dịch Covid – 19 thì Bangladesh là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng dương và đạt mức tăng trưởng 2,4%.

Trong hợp tác thương mại với Việt Nam, gần hai năm qua dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Bangladesh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại vẫn duy trì ổn định và không ngừng tăng trưởng. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2021 kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Bangladesh đạt 981 triệu USD, trong đó hơn 90% là hàng hóa, dịch vụ Việt Nam xuất sang Bangladesh, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng ấn tượng, thương mại song phương Việt Nam – Bangladesh dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD ngay trong năm 2021 này.

Khuyến nghị cho doanh nghiệp

Tiềm năng dồi dào là vậy song đến nay các doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác hết cơ hội từ thị trường Nam Á, hầu hết các doanh nghiệp đều thấy thiếu thông tin về thị trường này, đặc biệt là 2 thị trường Ấn Độ và Bangladesh.

Theo Tham tán Bùi Trung Thướng, Ấn Độ có hệ thống luật pháp theo hệ quy chuẩn của nước Anh, tương đối đồng bộ, chi tiết nhưng cũng khá phức tạp và khó hiểu. Chính vì vậy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng cần lưu ý áp dụng các điều khoản giao hàng, thanh toán sao cho đảm bảo lợi ích và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, sử dụng phương pháp thanh toán L/C trả ngay, không hủy ngang, mua bảo hiểm hàng hóa, không chấp nhận các điều kiện thanh toán có nhiều rủi ro như D/A hoặc D/P. Khi ký kết hợp đồng hoặc trao đổi, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ thông tin cá nhân và pháp nhân của đối tác (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận xuất nhập khẩu, họ tên, số điện thoại, địa chỉ email, số tài khoản ngân hàng, số chứng minh người liên hệ, người ký hợp đồng….)

Đối với thị trường Bangladesh, doanh nhân Đỗ Trọng – Trưởng ban liên lạc người Việt tại Bangladesh khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần thận trọng khi tiếp cận thông tin, cần xác minh đánh giá doanh nghiệp, trạng thái doanh nghiệp. Do đặc thù Bangladesh là quốc gia có nhiều thủ tục giấy tờ, trong đó có nhiều giấy phép con nên khi muốn thâm nhập thị trường này, các doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu thật kỹ các thủ tục cần thiết.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần thận trọng với pháp luật của nước bạn, không nên vội vàng chuyển tiền cho phía đối tác, đồng thời cần nhất quán trong từng câu chữ trong hợp đồng. “Thời gian đầu bở ngỡ, các doanh nghiệp có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các cơ quan tại Việt Nam cũng như cử đại diện tới Bangladesh khi bắt đầu xâm nhập thị trường này” – ông Trọng lưu ý

Như Ngọc