CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: “Thay vì đưa về các địa phương, nên đưa gói cứu trợ về các doanh nghiệp…”

Sau gói cứu trợ đầu tiên trị giá hơn 60.000 tỷ đồng, mới đây Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tiếp tục đề xuất với Bộ Kế hoạch&Đầu tư gói cứu trợ thứ hai trị giá 18.600 tỷ đồng nhằm tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Tuy nhiên theo ý kiến của ông Nguyễn Quốc Kỳ – CEO Vietravel, để triển khai gói cứu trợ thứ hai đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại một vài điểm bất cập, chưa ổn của gói cứu trợ đầu tiên để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cũng như hướng khắc phục.

Cụ thể ở gói cứu trợ lần một, phần hỗ trợ các lao động được đưa về các địa phương. Người lao động phải tự mình tới xã/phường/ thị trấn, nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú để thực hiện khai báo và nhận khoản hỗ trợ. Tuy nhiên từ bao lâu nay ở nước ta lao động luôn có sự dịch chuyển, từ vùng quê đổ về các thành phố để làm việc, chính vì vậy khi tiền cứu trợ chuyển về địa phương, người lao động cũng phải di chuyển về quê để làm thủ tục nhận hỗ trợ.

Điều này sẽ tạo ra gánh nặng cho cơ quan hành chính địa phương, cũng như sự di chuyển rất lớn giữa các vùng mà lại là giữa “mùa” Covid-19. Về phía người lao động sẽ vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí. Ông Kỳ nêu ví dụ: “Với chi phí trợ cấp 1,8 triệu đồng, một lao động đi từ Sài Gòn về miền Trung để làm thủ tục nhận trợ cấp chắc chỉ đủ bù tiền xe cộ. Có lẽ những người làm chính sách, khi quyết định đưa tiền về địa phương thì đã phần nào nghĩ rằng, lao động thất nghiệp sẽ về quê sinh sống.

Nhưng thực tế, không phải lao động mất việc nào cũng về quê. Do đó, tôi thấy là chính sách của Chính phủ là rất tốt, nhưng làm sao có thể đến được với người lao động một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cần tính lại cách làm sao cho hiệu quả hơn. Bởi vì tốc độ làm việc của nhiều địa phương cũng khác nhau, tác động đến việc người lao động nhận hỗ trợ nhanh hay chậm”.

Cũng theo CEO Vietravel, thay vì đưa về các địa phương, nên đưa gói cứu trợ về doanh nghiệp bởi trong đợt triển khai gói cứu trợ đầu tiên, bên cạnh những lao động đã nhận được sự hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, vẫn còn rất nhiều người chưa nhận được. Họ chưa nhận được, một phần do bản thân họ không di chuyển được, không lấy giấy chứng nhận kịp hoặc thậm chí họ không về được nên phải bỏ lỡ. Còn nếu việc hỗ trợ chuyển cho doanh nghiệp, dù lao động có ở đâu, họ vẫn có tài khoản ngân hàng, với hệ thống ngân hàng rộng khắp cả nước như hiện nay, việc chi trả qua tài khoản rất dễ dàng.

Hầu hết doanh nghiệp đều trả lương qua thẻ. Vậy thì khi tiền trợ cấp đưa về doanh nghiệp, họ có thể chuyển cho người lao động, và người lao động có thể rút tiền từ ngân hàng một cách dễ dàng. Doanh nghiệp là người trực tiếp quản lý lao động nên sẽ hiểu rõ và nhanh hơn so với chính quyền địa phương nên thủ tục sẽ đơn giản hơn nhiều”

Tại các quốc gia khác trên thế giới, ông Kỳ cho biết các gói cứu trợ sẽ được đưa về doanh nghiệp bởi doanh nghiệp mới là nơi quản lý người lao động.

Tất cả người lao động đều có mã số thuế và số an sinh xã hội. Vì thế, khi Chính phủ chuyển tiền cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển tiền lại cho người lao động. Chính quyền sẽ dễ dàng theo dõi dòng tiền, số tiền đã được chuyển. Nếu doanh nghiệp nào đó có hành vi chiếm đoạt tiền cứu trợ của người lao động, sẽ lập tức bị phát hiện và xử lý. “Sắp tới khi nước ta triển khai thực hiện gói cứu trợ thứ hai, tôi rất mong Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ đồng.

Nếu giao gói cứu trợ cho các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chuyển tới người lao động, tất nhiên cũng có thể xảy ra việc chi sai và tiền không tới được người lao động nhưng rủi ro thì lúc nào và ở đâu cũng đều có. Đừng nói là đưa tiền cho doanh nghiệp thì rủi ro còn phân bổ về các cơ quan hành chính nhà nước thì không có rủi ro.

Thực tế đã có những nơi thực hiện sai, quá chậm hoặc gây khó khăn cho người đến nhận. Trong khi đó doanh nghiệp quản lý người lao động thường xuyên, hàng ngày và hàng tháng đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; điều này đồng nghĩa với người quản lý lao động thường trực chính là các doanh nghiệp, còn chính quyền địa phương chỉ quản lý họ về hộ khẩu. Sắp tới nước ta cũng sẽ thực hiện quản lý công dân bằng dữ liệu điện tử và khi đó câu chuyện cũng đã khác rồi. Chính vì vậy việc tính toán, sắp xếp lại là vô cùng cần thiết vì nếu giao tiền về nơi vốn chỉ quản lý hành chính và luôn phải đợi chờ xác minh thì khi xác minh xong xuôi, đôi khi đã chậm rồi” – ông Kỳ nêu kiến nghị.

Hương Giang