CEO SSA Investment: “Thị trường bất động sản sụt giảm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngành ngân hàng…”

Dù cổ phiếu ngân hàng có sức hút khá lớn song các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cũng cần phải chuẩn bị về mặt tâm lý, đặt trong bối cảnh thị trường liên tục biến động như hiện nay…

CEO SSA Investment Nguyễn Đức Khang cho biết từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ gian lận quy mô lớn trong hoạt động trái phiếu, chứng khoán khiến các nhà đầu tư hoang man, đứng ngồi không yên và gián tiếp ảnh hưởng đến thị trường nói chung – các cổ phiếu ngân hàng nói riêng.

Chưa kể việc thắt chặt trong khâu phát hành trái phiếu đã đẩy nhiều chủ đầu tư bất động sản vào tình thế khó khăn trong việc cân đối tài chính, đặc biệt khi khối lượng trái phiếu đáo hạn trong 1-2 năm tới là rất lớn. Về phía các ngân hàng cũng đã cạn “room tín dụng”, không còn nhiều dư địa để cấp tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản. Đây là những nguyên nhân chính đẩy rủi ro thanh khoản của nhiều chủ đầu tư bất động sản lên cao.

Theo kinh nghiệm của ông Khang, rủi ro nợ xấu đối với các ngân hàng cũng sẽ cao hơn trong trường hợp trái phiếu hoặc doanh nghiệp bất động sản có vấn đề. Vì lẽ đó mà các cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là nhóm nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp là những cổ phiếu có mức độ giảm nhiều nhất.

CEO SSA Investment cũng khuyến nghị để có cái nhìn rõ nét hơn về những diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng kể từ khi lao dốc cho đến khi hồi phục, nhà đầu tư cần nhìn lại hai giai đoạn sụt giảm mạnh về giá cổ phiếu năm 2018 và năm 2010. Cụ thể trong đợt điều chỉnh năm 2018, các cổ phiếu ngân hàng dù có sụt giảm nhưng chỉ mất hơn 1 năm để phục hồi lại mặt bằng giá cũ. Trong khi đó giai đoạn năm 2009-2010, các cổ phiếu ngân hàng mất hơn 2 năm để tạo đáy (từ giữa 2009 đến 12/2011) và phải mất thêm khoảng 3 năm nữa (cuối 2014-2015) mới có thể phục hồi lại mặt bằng giá cũ. Ngoài ra điểm khác biệt lớn nhất giữa hai đợt sụt giảm này là vào năm 2018, điều kiện kinh tế vĩ mô khá tốt, các ngân hàng tuy có tăng trưởng chậm lại nhưng kết quả kinh doanh vẫn ở mức ổn định trong hai năm 2018 – 2019.

Trong khi đó sự thiếu kiểm soát trong nới lỏng tín dụng năm 2010 khiến lạm phát bị đẩy lên cao vào năm 2011 đòi hỏi mặt bằng lãi suất cũng phải được nâng lên để khắc phục tình trạng này. Đây cũng chính là nguyên nhân của những đỗ vỡ không nên có trên thị trường tài chính, bất động sản. Ngành ngân hàng vì thế cũng không tránh khỏi những hệ lụy như nợ xấu leo thang và phải mất một khoảng thời gian khá dài để tái cơ cấu. Phải đến năm 2014-2015, hoạt động ngành ngân hàng mới khởi sắc trở lại, thị trường bất động sản theo đó cũng ấm dần lên.

Ông Khang cho rằng hiện tại rất khó để có thể trả lời liệu diễn biến cổ phiếu ngân hàng sẽ theo chiều hướng nào. Điều nhà đầu tư cần làm lúc này là quan sát những diễn biến của thị trường bất động sản trong thời gian tới bởi tín dụng bất động sản chiếm khoảng 20% tổng tín dụng toàn thị trường; chưa kể bất động sản cũng là tài sản đảm bảo cho phần lớn khoản vay tại ngân hàng. Chính vì vậy sự sụt giảm của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. “Thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều được đang giao dịch ở P/B gần bằng 1 (giá/giá trị sổ sách). Cá nhân tôi cho rằng đây là một mức giá khá dễ chịu để nắm giữ dài hạn. Nếu như trong thời gian tới không có thêm các tin tức khiến tâm lý nhà đầu tư không ổn định (như việc phát hiện các sự vụ gian lận nổi cộm và thị trường bất động sản ổn định), tôi nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư”- CEO SSA Investment nhận định.

Việt Hà