CEO Loïc Gautier: ” Leflair chắc chắn không phải công ty cuối cùng mà tôi gây dựng ở Việt Nam”…”

Sau khi ra mắt thị trường Việt Nam năm 2015, Leflair đã thu hút hơn 2.500 thương hiệu hợp tác và mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines. Tuy nhiên sau 5 năm vận hành, Leflair đã phải đưa ra quyết định khó khăn – tạm dừng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam

Trong 5 năm khởi nghiệp, thành tựu của Leflair được thể hiện qua những con số hết sức ấn tượng: hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hơn 8 con số USD (hàng chục triệu USD), duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên sau chặng đường vụt thăng hoa, Leflair ngậm ngùi tuyên bố phá sản; đồng thời bị tố ôm khoản nợ 2 triệu USD của 500 nhà cung cấp Việt.

Trước thông tin CEO chạy trốn, rũ bỏ trách nhiệm, CEO Leflair – ông Loïc Gautier đã phải ra mặt giải thích: “Tôi không rũ bỏ trách nhiệm và luôn sẵn sàng đối mặt với các cáo buộc. Sở dĩ tôi không quay lại Việt Nam được là vì Covid-19. Hiện tại biên giới đang đóng cửa, không có người ngoại quốc nào có thể nhập cảnh cho đến tháng 9, hoặc thậm chí đến cuối năm. Ngay khi được quyền nhập cảnh, tôi sẽ trở lại Việt Nam và liên lạc với những người có liên quan để giải quyết vụ việc”.

CEO Leflair cho biết thêm ông không muốn những thông tin truyền thông sai lệch khiến mọi người quay sang chỉ trích ông. Sự thật Tòa án Tp.HCM đã chấp thuận tuyên bố phá sản của Leflair. Đồng sáng lập Pierre-Antoine Brun cũng không hề bị cảnh sát bắt giữ. “Có những người đang buộc tội chúng tôi vì họ tức giận, họ đang gặp khó khăn tài chính sau vụ phá sản” – Loïc Gautier nhận định.

Cũng theo CEO Leflair, môi trường khởi nghiệp của Việt Nam rất lý tưởng và đây thực sự là mảnh đất của những cơ hội. Khi đến Việt Nam, Leflair hầu như không gặp bất kỳ trở lực nào và việc thành lập công ty tương đối thuận lợi. Loïc Gautier chia sẻ: “Dù mọi chuyện diễn ra không như ý nguyện, tôi vẫn dành trọn niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam như ngày đầu tiên tôi đặt chân đến mảnh đất này. Dù có chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác, bản thân tôi vẫn muốn chọn Việt Nam làm nơi để bắt đầu lại. Leflair chắc chắn không phải công ty cuối cùng mà tôi gây dựng ở Việt Nam”.

Nhìn lại chặng đường 5 năm của Leflair tại Việt Nam, có thể thấy dù phá sản song startup này đã rất thành công trong mảng thương mại điện tử vốn là sân chơi thuộc về các “ông lớn” đa quốc gia. Leflair hoạt động theo mô hình flash-sale (bán hàng giảm giá cho người dùng những sản phẩm đang hot), thu hút khách hàng mua những món đồ từ những thương hiệu cao cấp như Nike, Adidas, Michael Korr với mức giảm tới 70%. Startup này xem mình như một “cửa hàng giảm giả” cho các thương hiệu, cho phép họ đăng bán những sản phẩm cuối mùa, giảm tồn kho. Đổi lại các nhà cung cấp phải bán cho khách hàng của Leflair với mức giảm giá sâu.

Nếu chúng ta cho rằng thương mại điện tử là sân chơi chỉ dành cho các ông lớn nước ngoài với số tiền đầu tư hàng tỷ USD – thì Leflair đã chứng minh điều ngược lại rằng các start up hoàn toàn có thể xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử vững mạnh từ nguồn vốn cực ít ỏi, thậm chí tay trắng. “Thời điểm Leflair ra mắt, chúng tôi mới 25 tuổi và vừa tách khỏi Lazada. Tuy không có nhiều vốn tiết kiệm nhưng chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin, quyết tâm chinh phục một lĩnh vực vốn đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư và chúng tôi đã thành công. Bản thân tôi luôn tâm niệm dù bạn có startup trong lĩnh vực nào, dù bạn được đầu tư bao nhiêu thì mọi thứ đều là “Possible” (có thể) ở Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam” – Loïc Gautier nhấn mạnh.

Linh Lan