Cáo buộc của Vinasun và đòn phản công bất ngờ của Grab
“Mục đích kinh doanh của Grab là cung cấp công nghệ, dịch vụ về công nghệ từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ, qua đó giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp và dễ dàng hơn. Thật bất công khi một công ty có lý tưởng phục vụ cộng đồng như Grab lại bị kiện ra tòa…” là chia sẻ của CEO Công ty TNHH Grab Việt Nam Jerry Lim tại phiên toà xử vụ Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Grab để tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đơn khởi kiện, Vinasun yêu cầu được bồi thường 41,2 tỉ đồng với cáo buộc Grab hoạt động tại Việt Nam khiến doanh nghiệp này giảm doanh số, làm cho 8.000 lao động mất việc làm.
Trước cáo buộc của phía Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải (Đề án thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải hành khách) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, phía Grab Việt Nam mới đây đã có đón phản công bất ngờ khi tiết lộ thông tin Vinasun cũng có một lượng xe tham gia Đề án 24 với ứng dụng Vinasun/dịch vụ Vcar.
Về vấn đề này, khi được chủ tọa hỏi, ông Trần Anh Minh – đại diện theo pháp luật của Vinasun cho biết phía Vinasun tham gia Đề án 24 từ ngày 2/11/2016, còn GrabTaxi tham gia giai đoạn đầu cho đến hôm nay vì Đề án đã được gia hạn. “Mục tiêu của Đề án 24 là dùng công nghệ phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải nhưng Grab trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải. Do Grab không thực hiện đúng Đề án nên đã gây thiệt hại cho Vinasun” – ông Minh khẳng định.
Trước cáo buộc của Vinasun, ông Jerry Lim cho biết trong quá trình Grab chất vấn Vinasun về ứng dụng Vinasun/dịch vụ Vcar hoạt động theo Đề án 24, Vinasun cũng đã thừa nhận rõ ràng trong lời khai của họ trước tòa rằng liên quan đến dịch vụ Vcar, họ không thực hiện cả hợp đồng giấy lẫn hợp đồng điện tử với hành khách, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Đề án 24. “Vinasun đã không tuân thủ theo Đề án 24 khi không có hợp đồng điện tử cho khách hàng. Họ cho rằng VCar thuộc xe du lịch cho thuê theo hợp đồng nhưng lại không có hợp đồng bằng giấy cho khách hàng thuê xe” – CEO Grab Việt Nam lập luận.
Không chỉ cáo buộc Vinasun vi phạm pháp luật, Grab cũng đồng thời cáo buộc năng lực chuyên môn của Công ty CP Thẩm định&Giám định Cửu Long – đơn vị thẩm định thiệt hại do tòa chỉ định. Theo đó phía Grab cho rằng các chứng thư của Công ty Cửu Long có nhiều bất cập. Bằng việc thuê công ty kiểm toán giám định quốc tế thẩm định lại kết quả giám định của Cửu Long, Grab chỉ ra 3 lỗi từ phía doanh nghiệp giám định này gồm: phương pháp tính thiệt hại không đúng khi dựa vào sự thay đổi sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường của Vinasun; chênh lệch số liệu xe nằm bãi của bên giám định và Vinasun; xe VCar không có hình thức hợp đồng đã vi phạm nghiêm trọng Đề án 24.
Phía Grab khẳng định việc sụt giảm giá trị vốn hóa trên thị trường của Vinasun là tổng giá định của các cổ phiếu do các cổ đông của công ty sở hữu, không thể là một chỉ số xác định thiệt hại bị gây ra bởi một công ty nào. Còn về báo cáo của Công ty Cửu Long giả định rằng các doanh nghiệp xe hợp đồng điện tử là lý do duy nhất khiến các xe taxi Vinasun nằm bãi và không hoạt động. Theo ông Jerry Lim, điều này là hết sức vô lý bởi báo cáo giám định không xem xét đến các yếu tố phụ trợ khác, đơn cử như: xe cũ chờ sửa chữa, bảo trì hay thay thế; tài xế nghỉ phép…hay ảnh hưởng từ việc Vinasun thay đổi mô hình kinh doanh sang hình thức nhượng quyền xe – tức là thay vì thuê tài xế như là nhân viên, Vinasun đã nhượng quyền khai thác xe cho tài xế.
Khẳng định không gây thiệt hại cho Vinasun, đại diện Grab cũng đồng thời lấy báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty Quốc Việt làm dẫn chứng cho nguyên do mà Vinasun mất khách hàng như: không có thông tin về chuyến đi, tài xế không thân thiện, thời gian chờ xe lâu, chất lượng xe kém… Điều này cho thấy Vinasun mất khách hàng là do những yếu kém từ trong nội tại doanh nghiệp chứ không phải do Grab.
“Trong bối cảnh mô hình xe hợp đồng điện tử đã dần trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân, Vinasun nên soi lại mình để thấy được nguyên nhân thực sự dẫn đến việc sụt giảm lợi nhuận; từ đó có hướng khắc phục những yếu kém, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân Việt Nam tốt hơn. Về phía Grab, thật bất công khi một công ty công nghệ bền bỉ thực hiện lý tưởng phục vụ cộng đồng như chúng tôi lại bị kiện ra tòa vì đã có ưu thế công nghệ hơn hẳn các mô hình kinh doanh truyền thống” – CEO Grab Việt Nam bày tỏ.
Nguyễn Cường