Cảnh báo mối nguy từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng tại các nước thì tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hiện nay khá cao. Đặc biệt với đà hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, dự báo các vụ kiện PVTM sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Nguy cơ rình rập

Theo báo cáo của Cục PVTM (Bộ Công Thương), trong 7 tháng đầu năm 2019, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao, trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam (thị trường Ấn Độ 4 vụ, Hoa Kỳ 2 vụ, Malaysia 1 vụ); đồng thời đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018 và 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) cho biết xu thế bảo hộ trên thế giới đang gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp bảo hộ như một công cụ để ngăn cản hàng nhập khẩu. Chính sách bảo hộ gia tăng sẽ dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn với hàng hóa xuất khẩu của ta, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ, trong đó có việc một số nước mở rộng biến thể của yêu cầu “từ sợi trở đi” hoặc “từ vải trở đi” đối với dệt may sang các sản phẩm khác như sắt thép, nhôm… Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa của Việt nam rất dễ bị kết luận là đang lẩn tránh thuế, lẩn tránh biện pháp PVTM.

Tuy nhiên ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất trong nước (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước có sự gia tăng đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác. “Đây là câu chuyện vốn đã “ầm ỹ” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Chính vì vậy bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cảnh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)…”, ông Dũng khuyến nghị

Bên cạnh đó, DN cũng cần thận trọng khi xem xét mở rộng đầu tư, đặc biệt để sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp PVTM với nước thứ 3. Khi phát hiện xuất khẩu các mặt hàng liên quan từ Việt Nam tăng nhanh, nước nhập khẩu có thể tiếp cận theo hướng điều tra chống lẩn tránh, độc lập với điều tra về xuất xứ. Hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ nhưng vẫn bị kết luận là lẩn tránh và bị áp thuế cao.

Cần cảnh báo sớm cho doanh nghiệp

Trước nguy cơ gia tăng các vụ kiện PVTM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị thời gian tới Cục PVTM cần tiếp cận vấn đề điều tra chống lẩn tránh thuế của các nước bởi nhiều cách nhìn trong thương mại quốc tế luôn thay đổi. Đơn cử như đối với mặt hàng thép, 70 năm qua, sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để xuất khẩu sang Mỹ lại bị Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. “Đây là sự thay đổi cách tiếp cận cực kỳ lớn của phía Mỹ và sự thay đổi này đe dọa nghiêm trọng tới hàng hóa Việt Nam bởi các nước nhập khẩu như Mỹ hoàn toàn có thể áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Vào một ngày đẹp trời nào đó, bỗng nhiên Mỹ ngẫu hứng muốn áp dụng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày… thì câu chuyện sẽ càng nguy hiểm hơn. Đây thực sự là nguy cơ lớn cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam” – Thứ trưởng  Trần Quốc Khánh cảnh báo.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết năm 2018 và 2019 là năm của các nhiệm vụ về PVTM với hàng loạt đề án, chiến lược, kế hoạch lớn được xây dựng và ban hành, triển khai thực hiện liên tục. Qua đó phần nào cho thấy được hướng đi, bước tiến ban đầu đã có hiệu quả, phân tích được nguy cơ, thách thức cũng như nguyên nhân dẫn đến các hạn chế còn tồn tại.

Tuy nhiên bất cập hiện nay là vẫn còn nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp PVTM. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê, nếu như năm 2018 có 13/37 nhóm mặt hàng chính tăng cao đột biến về kim ngạch xuất khẩu so với năm 2017 thì 6 tháng đầu năm 2019 còn tăng thêm 2 mặt hàng nữa lên 15/37 mặt hàng. Trong đó có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như sơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…”Điều đáng chú ý là có sự trùng khớp về việc các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Đây là thực sự là nguy cơ cần cảnh báo. Chính vì vậy Cục PVTM chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi theo dõi sát sao diễn biến các xung đột và tranh chấp thương mại để từ đó cập nhật kịp thời và dự báo những vấn đề “nóng” liên quan đến PVTM để cảnh báo sớm cho doanh nghiệp” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị.

Tuấn Anh