Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang khiến đồng tiền châu Á trượt giá

Do sức ép từ đà tăng giá của đồng Đô la Mỹ và ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nên hầu như tất cả các đồng tiền liên quan tại châu Á, đặc biệt là các nước xuất khẩu nhiều hàng sang Mỹ đều trượt giá như: đồng Baht Thái Lan, đồng Ringgit Malaysia, đồng Won Hàn Quốc, đồng Đô la Singapore…

Vốn là đồng tiền được Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ song trong tháng 6 vừa qua đồng Nhân dân tệ đã giảm 3% giá trị so với đồng Đô la Mỹ và tiếp tục chạm đáy trong ngày đầu tiên của tháng 7, đánh dấu tháng giảm tệ nhất kể từ khi Trung Quốc thiết lập thị trường ngoại hối của nước này vào năm 1994. Trong khi đồng Nhân dân tệ giảm giá trị được đánh giá là tốt cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc thì các chuyên gia cũng đồng thời cảnh báo sự giảm giá sâu của đồng Nhân dân tệ có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khuấy động thêm căng thẳng thương mại trong bối cảnh 2 nước Mỹ – Trung đang liên tiếp trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế quan, từ đó dấy lên nỗi lo sợ rằng chiến tranh thương mại có thể chuyển biến thành cuộc chiến tiền tệ.

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Donand Trump đã cáo buộc Trung Quốc can thiệp một cách có hệ thống vào thị trường tiền tệ, cố ý giữ tỉ giá đồng Nhân dân tệ luôn ở mức thấp để làm tăng sức cạnh tranh cho ngành xuất khẩu; cho dù khi đó Trung Quốc đã chuyển sang hỗ trợ tỷ giá đồng Nhân dân tệ để ngăn sự tháo chạy của dòng vốn. Trở lại thời điểm hiện tại, với việc tỉ giá tiền tệ của Trung Quốc xuống thấp trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang đã dấy lên nghi vấn rằng Trung Quốc đang dùng Nhân dân tệ như một vũ khí, dùng sự giảm giá đồng tiền để bù đắp ảnh hưởng của các đòn trừng phạt thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.

Và một điều hiển nhiên rằng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã tác động bất lợi đến thị trường châu Á. Hầu như tất cả các loại tiền tệ châu Á bao gồm đồng Baht Thái Lan, đồng Ringgit Malaysia, đồng Won của Hàn Quốc, đồng Đô la Singapore đều trượt giá. Giảm giá mạnh nhất là đồng Rupiah của Indonesia – một trong những đồng tiền bị đánh giá là tồi tệ nhất trong khu vực trong năm nay bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này (Bank Indonesia) đã tăng lãi suất hai lần trong tháng 5 để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ. Giá trị sa sút của đồng Rupiah có thể gây ra vấn đề lớn cho khối nợ ngoại tệ không hề nhỏ của Indonesia, và dòng vốn chảy khỏi thị trường trái phiếu Indonesia là một tin xấu đối với Chính phủ nước này.

Xếp ngay sau đồng Rupiah là đồng Rupee của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trước áp lực từ đà tăng của giá dầu và làn sóng bán tháo ở thị trường mới nổi này.

Ông Manu Bhaskaran – CEO và cũng là nhà sáng lập của Centennial Asia Advisors đưa ra dự báo khi các thị trường mới nổi bị rút vốn mạnh hơn theo thời gian, các đồng tiền châu Á sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa. Bhaskaran cũng đưa ra dự báo về một đợt điều chỉnh lớn hơn nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu bất ngờ, hoặc các rủi ro về chính trị hay thương mại sâu sắc hơn, hoặc Ngân hàng Trung ương ở các nước châu Á mắc sai lầm chính sách.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, các đồng tiền châu Á dẫu trượt giá kỷ mục vẫn không “thấm” gì so với sự ảm đạm của thị trường chứng khoán. Trong tháng 6  vừa qua, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Singapore, Malaysia và Indonesia đã mất từ 6,2% đến 7,4%; trong khi đó chỉ số chứng khoán tại các thị trường châu Á khác như Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang ngập chìm trong sắc đỏ. Đặc biệt chứng khoán Trung Quốc ghi nhận độ tổn hại cao nhất với mức sụt giảm lên tới 11%.

Theo: Nguyễn Cường