Căng thẳng Nga-Ukraine – “phép thử lớn” đối với chính quyền Biden

Căng thẳng bùng phát tại biên giới giữa Nga và Ukraine sẽ là một phép thử lớn đối với Tổng thống Joe Biden, theo hai nhà phân tích nói với CNBC trong tuần này.

Bradley Bowman, giám đốc cấp cao của Trung tâm Sức mạnh Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, cho biết: “Tôi nghĩ đây là một thử thách lớn đối với chính quyền Biden, có lẽ là thử thách chính sách đối ngoại hàng đầu mà chính quyền này phải đối mặt.

Ariel Cohen, một thành viên cấp tại Trung tâm Âu-Á của Hội đồng Đại Tây Dương, cũng lặp lại quan điểm tương tự và gọi đây là một phép thử “khá lớn” đối với Mỹ.

Ukraine trong những tuần gần đây đã cảnh báo Washington và các đồng minh châu Âu của họ về việc tăng quân của Nga ở biên giới phía đông.

Hiện ngày càng có nhiều lo ngại rằng Nga có thể xâm lược Ukraine, lặp lại hành động sáp nhập và chiếm đóng trái phép Crimea vào năm 2014. Vụ việc đã gây xáo động quốc tế vào thời điểm đó và gây ra một loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi hôm thứ Ba trong một cuộc gọi điện qua video.

Trong cuộc điện đàm, ông Putin nói với Tổng thống Mỹ rằng Washington không nên cho phép Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đổi lấy sự đảm bảo rằng quân đội Nga sẽ không tấn công.

NATO là liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả thành viên.

Ukraine đã tìm cách được tham gia liên minh từ năm 2002. Nhưng Điện Kremlin đã phản đối động thái này, cho rằng sự mở rộng về phía đông của NATO là một mối đe dọa an ninh trực tiếp và việc Ukraine chấp nhận tham gia liên minh có thể dẫn đến việc NATO chuyển quân sang biên giới của Nga.

Hôm thứ Ba, ông Biden nói với Putin rằng Washington sẽ không chấp nhận yêu cầu của Moscow. Washington và các nước phương Tây khác đã cảnh báo sẽ có những hậu quả kinh tế và chính trị nếu Moscow xâm lược nước láng giềng Ukraine.

Quốc Danh