Căng thẳng gia tăng đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tệ hại hơn nhiều

Một nhà đầu tư nói với đài CNBC: Căng thẳng gia tăng đối với việc xử lý đại dịch COVID-19 của Trung Quốc có thể là một rủi ro lớn đối với sự phục hồi kinh tế, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tồi tệ hơn cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington.

Từ Hoa Kỳ đến Châu Âu đến Australia, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi điều tra về Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc của vụ dịch, lần đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối tháng 12.

David Sokulsky, CEO và giám đốc đầu tư của Quỹ lãnh đạo tập trung cho biết: Khi các nền kinh tế chuẩn bị mở cửa trở lại sau nhiều tuần bị phong tỏa cách ly để ngăn chặn sự lây lan của virus, sự phục hồi có thể bị trật bánh do căng thẳng chính trị,

“Hiện tại, đó là một rủi ro lớn chưa được định giá”, ông ấy nói trong chương trình “Capital Connection” của đài CNBC vào thứ năm.

“Khi chúng ta vượt qua đỉnh điểm lây nhiễm cao nhất, các chính trị gia sẽ muốn đổ lỗi cho ai đó, và mục tiêu rõ ràng cho sự đổ lỗi đó là Trung Quốc”, ông nói thêm.

Trò chơi đổ lỗi nhau

Nền kinh tế thế giới đã tiến gần đến bế tắc vào tháng 3 khi các quốc gia đóng cửa biên giới và các doanh nghiệp bị đóng cửa trong nỗ lực giảm bớt sự lây lan của căn bệnh này. Cho đến nay, căn bệnh này đã lây nhiễm 4,4 triệu người và giết chết hơn 302.000 người tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một số quốc gia đã đổ lỗi cho Trung Quốc xử lý sai sự bùng phát virus và đang kêu gọi bồi thường cho việc đã làm tê liệt nền kinh tế của họ. Những người khác đang kêu gọi một cuộc điều tra và muốn biết liệu Trung Quốc lẽ ra có thể ngăn chặn sự bùng phát lan rộng như vậy không.

Nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ quan điểm cho rằng họ đã xử lý sai tình hình.

Theo một bản ghi chép chính thức của cuộc phỏng vấn với NBC News, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng nói rằng, Trung Quốc là một nạn nhân, không phải là đồng phạm. Đây không phải là thời gian để buộc tội và thao túng chính trị, ông nói thêm.

Hoa Kỳ đã đe dọa trả đũa chống lại Bắc Kinh, trong khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã ủng hộ các lời kêu gọi cho một cuộc điều tra về nguồn gốc bệnh.

“Nếu bạn nhìn về sự phục hồi trong (quý IV) năm ngoái, và trong tháng 1 năm nay, rất nhiều trong số đó là nhờ các cuộc đàm phán thương mại được cải thiện và ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông Sokulsky nói .

“Điều khác biệt của lần này là sự căng thẳng gia tăng liên quan đến phần còn lại của thế giới”, ông chỉ ra. “Rõ ràng Australia là nước đi đầu trong đó”.

Bắc Kinh và Canberra đã bị mắc kẹt trong căng thẳng leo thang kể từ khi các nhà lập pháp Australia bắt đầu yêu cầu bồi thường và điều tra. Đại sứ quán Trung Quốc cho biết các nhà lập pháp đã đưa ra những lời vu khống độc hại và lập lại như vẹt những lời nói như: ‘những cáo buộc sai trái của một số chính trị gia Trung Quốc ở Bắc Mỹ’.

Trung Quốc cũng đề xuất mức thuế 80% đối với lúa mạch Australia và đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ bốn nhà chế biến thịt ở Australia – một động thái được coi là trả đũa, mặc dù Bắc Kinh đã bác bỏ điều này.

Sokulsky cho biết tình hình có thể xấu đi hơn nữa. Chúng ta có thể thấy sự trở lại rất nhanh chóng của các cuộc chiến thương mại mà chúng ta đã chứng kiến, nhưng có khả năng ở quy mô tồi tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy năm ngoái.

Thiên Phú (Theo CNBC)