Cần đồng bộ về chính sách lẫn hạ tầng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Bài toán phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh là trung tâm phối hợp các tỉnh vệ tinh lân cận – thành một trung tâm kinh tế của khu vực, mặc dù mục tiêu đặt ra từ lâu, nhưng đến nay sự phát triển hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng.
TP HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Các mục tiêu cần đáp ứng
Theo PGS-TS Lê Vũ Nam, chuyên gia tài chính – chứng khoán, việc xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần đáp ứng được các mục tiêu, trước hết là phải kết nối hạ tầng giao thông. Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có thuận lợi khi TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính của khu vực, các tỉnh lân cận đều có lợi thế riêng, như Tây Ninh có 2 cửa khẩu quốc tế; Vũng Tàu có lợi thế phát triển giao thương đường biển; sân bay Long Thành hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách cho nhà đầu tư đến các tâm điểm kinh tế chính trong vùng như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… nhanh nhất.
Về chính sách, cần hình thành cơ chế điều phối, phối hợp vùng, cả về quy hoạch, liên kết phát triển và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, quỹ tài chính, các chính sách khác một cách đồng bộ như thuế, đất đai, môi trường, thu hút đầu tư. Để điều phối được thì cần cơ chế phối hợp trong hành động, trong chính sách giữa các vùng trong khu vực. Trong đó, TPHCM đóng vai trò là trung tâm giao dịch, phân phối hàng hóa, cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa.
TPHCM sẽ làm đầu tàu hình thành trung tâm logistics, kết nối thành phố với các địa phương và giao thương quốc tế. Đồng thời, với sự phát triển khoa học công nghệ như hiện nay, TPHCM là trung tâm kết nối thông tin trên thị trường hàng hóa, dịch vụ; làm đầu mối, hỗ trợ về khoa học công nghệ; là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Và cuối cùng, TPHCM làm trung tâm huy động hỗ trợ các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh của vùng, thông qua thị trường tài chính – chứng khoán.
Hướng đến phát triển bền vững
Hiện nay, dù đã thực hiện liên kết vùng, nhưng các tỉnh vẫn chưa thống nhất chương trình hành động, chưa có “sư đoàn trưởng” để thống nhất trong chủ trương và hành động. Tỉnh nào cũng có chính sách riêng trong thu hút đầu tư nên không đạt được tính thống nhất, kết nối đồng bộ, sự thiếu đồng bộ này thể hiện cả trong đầu tư hạ tầng giao thông.
PGS-TS Dương Anh Sơn, Trưởng khoa Luật Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) dẫn chứng: “Con đường xuống miền Tây vẫn còn độc đạo thì sẽ làm tắc nghẽn kinh tế khu vực này. Cần liên kết vùng để thay đổi tư duy, hướng đến cân bằng sinh thái; nếu tỉnh nào cũng ngăn sông, lấp rạch ngăn cản nguồn nước là ức chế tự nhiên, nên quy hoạch theo hướng vùng khô trồng hoa màu thì vùng nước nuôi tôm, cần thuận theo quy luật sinh thái trong phát triển nông nghiệp. Liên kết vùng để phát triển chất lượng hàng hóa, mang lại giá trị gia tăng lớn cho hàng xuất khẩu”.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Hồng Nga nhận định rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất giàu tiềm năng về du lịch, dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao; tuy nhiên, thành quả kinh tế và xã hội của vùng chưa xứng với tiềm năng, dù tăng trưởng cao hơn 1,2 lần so với toàn Việt Nam.
Việc tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP giảm và công nghiệp tăng trong mấy năm gần đây, theo PGS-TS Nguyễn Hồng Nga, là đang đi ngược với xu hướng và mong muốn của xã hội.
“Chúng ta nói nhiều về liên kết và thể chế liên kết vùng nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng, tuy nhiên việc liên kết là rất khó khăn và đôi khi mang tính miễn cưỡng, phong trào và khó hiện thực hóa. Do đó chúng ta phải tìm lối đi khác để thay thế, ít nhất là trong 5 – 10 năm tới”.
PGS-TS Nguyễn Hồng Nga đề xuất 8 bước đi cần triển khai để phát triển kinh tế vùng:
Thứ nhất, vùng này phải có cách thức thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả, trong đó có cả người nước ngoài, Việt kiều, người Việt Nam học ở các nước phát triển và các trường tốp đầu. Thứ 2, giải quyết nút thắt cản trở lưu thông hàng hóa bằng việc mở rộng và liên kết cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường sắt trên cao; sân bay Long Thành nên giao cho tư nhân đầu tư và vận hành có sự điều tiết của Nhà nước. Thứ 3, thí điểm chính quyền đô thị tại TPHCM và sử dụng cơ chế đặc thù để bổ nhiệm cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và thành phố. Thứ 4, để TPHCM tiếp tục là đầu tàu kéo cả vùng thì cần lấy tri thức làm nền tảng cho mọi tư tưởng và hành động. Thứ 5, mạnh dạn cắt giảm 2/3 biên chế khu vực công để giải phóng nguồn lực cho khu vực dân doanh. Thứ 6, TPHCM cần giảm các khu chế xuất – khu công nghiệp gây ô nhiễm, tiến tới chuyển ngành công nghiệp ra khỏi thành phố và tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ có hàm lượng chất xám, có tính đặc thù và giá trị gia tăng cao. Thứ 7, để đầu tàu có sức hút và đủ sức kéo các toa, cần thu hút vốn FDI nhiều hơn, có đủ lượng hóa kích thích hình thành và phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và vừa, tạo niềm tin để người dân đầu tư vào. Thứ 8, mạnh dạn đề xuất Trung ương cho cơ chế đặc thù đối với cả vùng, nhất là các vấn đề về nhân lực, quyền lực và vật lực. |
Khánh Hòa