California: Lương tối thiểu của ngành thức ăn nhanh có thể tới 22 đô la/giờ

Thống đốc bang California đã ký thành luật một dự luật thành lập “Hội đồng thức ăn nhanh” để xác định các tiêu chuẩn về lương, giờ và điều kiện làm việc cho công nhân ngành thức ăn nhanh của bang.

Theo luật này, hội đồng có thể tăng mức lương tối thiểu cho công nhân thức ăn nhanh lên đến 22 đô la/giờ – cao hơn nhiều so với 15 đô la/giờ ở tiểu bang cho những người sử dụng lao động có hơn 26 công nhân.

Các tiêu chuẩn mới áp dụng cho các chuỗi có ít nhất 100 địa điểm trên toàn quốc.

Thống đốc Gavin Newsom, đồng thời cũng là một chủ nhà hàng, cho biết: “Hành động hôm nay mang lại cho những người lao động trong ngành thức ăn nhanh có tiếng nói mạnh mẽ hơn và có mức lương công bằng và các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn quan trọng trong toàn ngành. Tôi tự hào ký luật này vào Ngày Lao động của Mỹ, khi chúng tôi tri ân những người lao động đã giữ cho bang của chúng tôi hoạt động khi chúng tôi xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, bao trùm hơn cho tất cả người dân California”.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp nhà hàng đã lên tiếng chống lại luật này. Tuần trước, Chủ tịch McDonald’s Mỹ Joe Erlinger gọi đạo luật này là “sai lệch, đạo đức giả và viển vông”. Ông tin rằng việc thành lập hội đồng sẽ “làm tổn thương tất cả mọi người” vì các tiêu chuẩn mới sẽ áp dụng cho các chuỗi nhà hàng lớn, chứ không phải cho những chuỗi có ít hơn 100 địa điểm.

Hiệp hội nhượng quyền thương mại quốc tế (IFA) cũng chỉ trích luật này, gọi đây là “biện pháp phân biệt đối xử được thiết kế để nhắm mục tiêu vào mô hình kinh doanh nhượng quyền”.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành IFA Matthew Haller cho biết trong một tuyên bố rằng dự luật này sẽ gây tổn hại cho các nhà điều hành nhượng quyền nhỏ hơn và chỉ ra một nghiên cứu cho thấy mức lương cao hơn có thể dẫn đến giá thực đơn tăng 20%. Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia cũng chống lại dự luật.

Tuy nhiên, hàng chục nhóm vận động bao gồm Viện Chính sách Kinh tế, Dự án Luật Việc làm Quốc gia và Một mức lương công bằng đã thúc giục bang thông qua dự luật vào tháng 1.

Thúy Hạnh