Các ưu tiên kinh tế của Tập Cận Bình và Putin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tiến hành cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thúc đẩy quan hệ Trung-Nga và củng cố vị thế của Trung Quốc như một nhà trung gian quyền lực toàn cầu.

Sau khi giúp dàn xếp hòa hoãn giữa Saudi Arabia và Iran vào đầu tháng này, ông Tập đang sử dụng chuyến đi này để thúc đẩy một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm giải quyết cuộc chiến ở Ukraine – một đề xuất mà Putin cho biết ông xem xét “với sự tôn trọng”.

Tuy nhiên, với việc kế hoạch hòa bình của Tập Cận Bình nhận được phản ứng thờ ơ ở Kiev và Washington, nhà lãnh đạo Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ thành công trong việc củng cố hợp tác kinh tế với Putin, vốn đã trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh Moskva ngày càng cô lập.

Dưới đây là những lĩnh vực kinh tế trọng điểm mà Tập Cận Bình và Putin có thể sẽ tập trung để hợp tác nhiều hơn.

Năng lượng Nga

Trung Quốc đã nổi lên như một khách hàng lớn mua dầu và khí đốt giảm giá mạnh của Nga khi các khách hàng phương Tây cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Doanh số bán năng lượng tăng cao đã cung cấp cho nền kinh tế Nga, vốn đã suy giảm 2,1% vào năm ngoái, một cứu cánh rất cần thiết khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Bên cạnh Trung Quốc, những khách hàng mua năng lượng hàng đầu khác của Nga bao gồm Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã tận dụng mức trần giá với dầu của Nga để tiếp cận nguồn năng lượng rẻ hơn. Các nhà phân tích dự đoán doanh số sẽ tiếp tục tăng khi cuộc chiến ở Ukraine không có dấu hiệu kết thúc.

Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc

Trong khi bán năng lượng cho Trung Quốc, Nga đã tăng cường nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, bao gồm máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đạt 76,12 tỷ USD vào năm 2022, tăng từ 67,57 tỷ USD của năm trước.

Nhìn chung, thương mại song phương giữa hai bên đã tăng gần 1/3 vào năm ngoái lên khoảng 190 tỷ USD và có khả năng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế của họ không cân bằng.

Mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga, thương mại giữa hai bên không đáng là bao so với thương mại của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, theo dữ liệu hải quan. Thương mại giữa ba đối tác thương mại hàng đầu này vào năm 2022 được định giá lần lượt là 947 tỷ đô la, 821 tỷ đô la và 734 tỷ đô la, theo dữ liệu của chính phủ.

Giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào đồng nhân dân tệ đã khiến nước này vào tháng 10 trở thành trung tâm giao dịch nước ngoài lớn thứ tư đối với đồng tiền Trung Quốc.

Trong bối cảnh dự trữ đồng đô la đang suy giảm do các lệnh trừng phạt, ngân hàng trung ương Nga vào tháng 1 đã bán số nhân dân tệ trị giá 47 triệu đô la để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách do doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt thấp hơn.

Trong một bài báo gần đây cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Alexandra Prokopenko, một thành viên tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng việc đổi đồng đô la và euro lấy đồng nhân dân tệ có thể là một giải pháp ngắn hạn hiệu quả, nhưng nó sẽ khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn về tài chính vào Trung Quốc.

Mai Vân