Các quốc gia khu vực châu Á vẫn có thể tăng trưởng tốt mà không cần nền kinh tế Trung Quốc phải tăng trưởng mạnh đến 6%

Năm 2019, GDP của Việt Nam tăng 7,02% – cao hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (6,6 – 6,8%) và cao hơn so với mục tiêu Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (GDP tăng khoảng 6,8%). Đây cũng đồng thời là minh chứng cho thấy trong năm 2020, dù thương chiến Mỹ – Trung có tiếp diễn hay không thì nền kinh tế Việt Nam nói riêng – các quốc gia trong khu vực châu Á nói chung vẫn có thể đạt mức tăng trưởng tốt.

Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý một thỏa thuận thương mại một phần, tạm dừng cuộc chiến thương mại kéo dài 21 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên quyết định này không phải là mối lo ngại quá lớn với các nước láng giềng của Trung Quốc trên khắp châu Á bởi nếu không được hưởng lợi từ việc các nhà cung cấp di dời nhà máy đến đất nước họ thì họ cũng đang được hưởng lợi từ các yếu tối nội tại của nền kinh tế.

Trong báo cáo mang tên Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook), IMF nhận định năm 2020 nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 6%. Tuy nhiên, sự giảm tốc này chưa chắc khiến Bắc Kinh phải lo ngại vì ít nhất thì họ cũng đã thành công trong việc khiến chính quyền Washington phải chao đảo.

Nếu quan hệ Mỹ – Trung có những chuyển biến tích cực từ thỏa thuận thương mại giai đoạn một (sẽ được ký kết vào ngày 15/1/2020 tại Washington) thì thị trường chứng khoán châu Á sẽ được hưởng lợi rất nhiều; bất chấp trước đó thị trường chứng khoán tại nhiều quốc gia trong khu vực này đã phải trải qua cuộc suy giảm tồi tệ nhất trong lịch sử. Đơn cử như Quỹ VanEck Vectors Vietnam đã giao dịch tiêu cực trong đầu năm 2019; trong khi MSCI China và MSCI Emerging Markets đều tăng điểm. Trong năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ tăng 5%. Hay như Thái Lan vốn được xem là điểm đến đầu tư lý tưởng cho những người tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc cũng đã có sự sụt giảm hết sức tồi tệ. MSCI Thái Lan (THD) đã giảm khoảng 1% so với năm ngoái.

Tuy nhiên nếu có cái nhìn tinh tường, các nhà đầu tư sẽ tìm thấy những giá trị tiềm ẩn ở khắp các quốc gia tại châu Á – một khu vực đã bị giới đầu tư bỏ qua trong năm 2019 khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. “Từ quan điểm dài hạn, cuộc chiến thương mại và sự suy yếu ở Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng quá lớn đến câu chuyện tăng trưởng ở châu Á. Bằng chứng là sau hàng loạt các dự báo chỉ ở mức 6,7-6,9%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt 7,02%”, ông Simon Weston – Giám đốc danh mục đầu tư cao cấp cho thị trường châu Á tại AXA Investment Managerers cho hay.

Trong thu hút nguồn vốn FDI, các quốc gia tại châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan đã thu hút sự quan tâm từ nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Trong năm 2020, dự báo phần lớn các khoản đầu tư mới vào sản xuất có khả năng vẫn sẽ tiếp tục ở lại châu Á, một phần nhờ vào lực lượng lao động giá rẻ, sự gần gũi với Trung Quốc. Ngoài ra còn phải kể đến nhu cầu tiêu thụ và sức mua của người tiêu dùng tại các quốc gia châu Á đang tăng cao và đây thực sự là yếu tố thị trường vô cùng thuận lợi hỗ trợ cho việc bán hàng của chính các tập đoàn đa quốc gia.

Các nhà phân tích của AXA cho biết sự tăng trưởng đáng kể của thương mại nội khối cũng khiến châu Á trở nên kiên cường hơn trước sự sụp đổ từ thương chiến Mỹ – Trung. Một ví dụ điển hình minh chứng các nền kinh tế mạnh ở châu Á vẫn được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung chính là trường hợp của Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). Họ đã trở thành nhà cung cấp linh kiện cốt lõi cho các công ty Trung Quốc đang tìm cách bảo đảm phần cứng không phải của Mỹ trong trường hợp phía Washington áp đặt biện pháp trừng phạt như đã từng làm với  ZTE, Huawei và các công ty công nghệ khác – những người mua chip của Mỹ. TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp cho Apple và Huawei. Hiện tại Công ty vẫn đang mở rộng quy mô hát triển và giá cổ phiếu của họ đã tăng tới 159% trong 5 năm qua.

Các nhà phân tích của AXA đưa ra dự báo năm 2020, tăng trưởng doanh thu của các công ty của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tăng tốc. Các ngành như chất bán dẫn và công nghệ có thể chứng kiến sự phục hồi khi theo kịp nhu cầu. Hiệu ứng này sẽ đặc biệt có lợi cho các công ty công nghệ Hàn Quốc. “Không thể phủ nhận thương chiến Mỹ –  Trung vẫn sẽ một “mối họa” đối với châu Á, tuy nhiên phần còn lại của khu vực này vẫn có thể tăng trưởng tốt mà không cần nền kinh tế Trung Quốc phải tăng trưởng mạnh đến 6%” – các nhà phân tích của AXA nhấn mạnh.

Minh Phượng