Các nhà đầu tư lo lắng khi Indonesia xem xét để các bộ trưởng bỏ phiếu về chính sách tiền tệ

Các nhà phân tích cho biết quốc hội Indonesia sẽ cân nhắc một loạt các đề xuất nhằm đưa ngân hàng trung ương và chính phủ xích lại gần nhau hơn – một động thái có thể làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư và gây thêm áp lực lên tiền tệ nếu nó thành hiện thực.

Hôm thứ Hai, một hội đồng chuyên gia đã trình bày trước quốc hội về những thay đổi tiềm năng đối với luật ngân hàng trung ương, theo Reuters.

Báo cáo cho biết các khuyến nghị bao gồm việc trao quyền biểu quyết cho các bộ trưởng trong chính phủ tại các cuộc họp chính sách tiền tệ, cũng như mở rộng nhiệm vụ của Ngân hàng Indonesia để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Hiện tại, nhiệm vụ của ngân hàng trung ương là duy trì sự ổn định của đồng rupiah Indonesia thông qua lạm phát và tỷ giá hối đoái.

Đồng rupiah Indonesia suy yếu sau tin tức về những khuyến nghị đó, điều cho thấy các nhà đầu tư có thể lo ngại về khả năng suy giảm tính độc lập của ngân hàng trung ương. Đồng tiền này thậm chí còn mất giá nhiều hơn so với đồng bạc xanh vào thứ Tư, đổi giá ở mức 14.725 rupiah / USD trong giao dịch buổi chiều so với mức đóng cửa của ngày hôm trước là 14.565 rupiah mỗi USD.

Euben Paracuelles, nhà kinh tế trưởng ASEAN tại Nomura, cho biết đề xuất thành lập hội đồng tiền tệ do Bộ trưởng Tài chính đứng đầu là “bất thường” và không phù hợp với các thông lệ tốt nhất về cách chính sách tiền tệ nên được thiết lập.

Ông nói với CNBC: “Các nhà đầu tư có thể coi đó là một mối lo ngại lớn, nó có thể dẫn đến các vấn đề về dòng vốn và do đó, nó có thể dẫn đến nhiều áp lực hơn đối với đồng rupiah”.

Khi được hỏi về các đề xuất này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cam kết rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ độc lập, theo Reuters.

Trước khi các khuyến nghị được đưa ra, đồng rupiah đã là một trong những đồng tiền châu Á yếu nhất trong năm nay, một phần do lo ngại của các nhà đầu tư về việc ngân hàng trung ương hỗ trợ tài trợ cho khoản thâm hụt lớn hơn của chính phủ do tăng chi tiêu để chống lại COVID-19.

Theo thỏa thuận “chia sẻ gánh nặng nợ”, Ngân hàng trung ương Indonesia sẽ mua trái phiếu chính phủ trị giá 397,6 nghìn tỷ rupiah (27,1 tỷ USD) và sẵn sàng mua thêm khoản nợ 177 nghìn tỷ rupiah (12,2 tỷ USD)

.Các nhà chức trách Indonesia đã nói rằng chương trình như vậy là một chương trình nhằm đối phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hội đồng chuyên gia đã khuyến nghị với quốc hội rằng ngân hàng trung ương được phép mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp như một cách để quản lý nguồn cung tiền và hỗ trợ tài chính tài khóa khẩn cấp, theo Reuters.

Helmi Arman, một nhà kinh tế tại Citi Research cho biết mặc dù Quốc hội có thể không thông qua tất cả các khuyến nghị để đưa nó thành luật, nhưng “có khả năng sự độc lập của ngân hàng trung ương sẽ bị suy yếu sau vụ việc này. Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng những thay đổi được đề xuất này sẽ cho phép chính sách tiền tệ được đồng bộ chặt chẽ với các mục tiêu của các nhà lãnh đạo chính trị. Mặc dù điều này có thể được cho là hợp lý trong một số trường hợp bất thường nhất định, nhưng mối quan tâm của chúng tôi là tại một số thời điểm trong tương lai, những sửa đổi vĩnh viễn này có thể dẫn đến một giai đoạn tích lũy rủi ro không bền vững”.

Hương Giang