Các ngân hàng rốt ráo vào cuộc giảm lãi suất huy động
Ngân hàng Nhà nước vừa ra thông báo chính thức về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam. Theo đó lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ giảm trần 0,5%, từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm.
Tương tự lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng sẽ giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Trước khi có quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, đa số các ngân hàng thương mại đều niêm yết lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng ở mức tối đa 5,5%/năm. Hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã nhanh chóng vào cuộc điều chỉnh bảng lãi suất hiện có của mình.
Đơn cử tại Vietcombank, dù trước đó không vướng trần lãi suất mới song lãi suất kỳ hạn 3 tháng vẫn được ngân hàng này giảm từ 5% xuống 4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 5,3%/năm (trước đó là 5,5%/năm); đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên Vietcombank vẫn giữ nguyên mức lãi suất 6,8%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được điều chỉnh giảm còn 4,3%/năm; từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm còn 4,8%/năm. Tương tự Agribank cũng đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng xuống mức 4,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng – 8 tháng giảm xuống còn 5,3%/năm.
Cũng như các ngân hàng khác, biểu lãi suất trên website của MBBank cũng đã được điều chỉnh với lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tháng – 5 tháng giảm còn 5%/năm thay vì 5,5%/năm như trước đó; tương tự lãi suất kỳ hạn 2 tháng giảm còn 4,8%/năm (trước đó là 5,3%/năm). Các kỳ hạn huy động khác của MBBank cũng giảm từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước về giảm trần lãi suất huy động vốn và cho vay đối tượng ưu tiên, ngân hàng BIDV cũng đã chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa 0,8%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 5%/năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, mục đích siết trần lãi suất huy động của NHNN nhằm hướng đến giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của Chính phủ. Các chuyên gia cũng cho rằng hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các ngân hàng hiện nay, hướng tới gia tăng tỷ trọng của nguồn vốn trung và dài hạn. Với tình hình hiện nay, chắc chắn lãi suất huy động sẽ tiếp tục hạ xuống trong thời gian tới và thể hiện rõ nét hơn trong năm 2020.
Đối với các “ông lớn” trong ngành ngân hàng như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV..; sau khi giảm lãi suất huy động, các ngân hàng này đều tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực ưu tiên với mức giảm phổ biến là 0,5%/năm. Một số ngân hàng khác cũng áp dụng những gói cho vay ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngọc Hạnh