Các FTA và vaccine ngừa Covid – 19: Động lực thúc đẩy sản xuất – thương mại của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn
Bất chất diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, từ đầu năm đến ngày 15/2/2021 kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đạt 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái; ở chiều ngược lại nhập khẩu cũng tăng khoảng 25%. Đây được xem là kết quả hết sức khả quan, tạo đà phục hồi cho hoạt động thương mại cả nước sau thời gian chựng lại vì Covid – 19.
Thông tin cụ thể hơn về bức tranh xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong thành công của hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm có sự đóng góp của tất cả các ngành sản xuất, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Mặc dù trong năm 2020 vừa qua các mặt hàng dệt may, da giày bị tác động rất lớn dẫn đến kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm sâu tới 10% song từ đầu năm 2021 đến nay cả hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực này đã có bước tăng trưởng khá.
Ngoài ra các mặt hàng điện thoại, máy móc phụ tùng, linh kiện điện tử…cũng đạt mức tăng trưởng rất cao, phản ánh nhu cầu của thế giới trong bối cảnh dãn cách xã hội bởi dịch bệnh nguy hiểm này. Riêng với nhóm hàng nông sản dù kim ngạch không lớn so với nhóm hàng công nghiệp song lũy kế đến ngày 15/2, xuất khẩu nông sản cũng đạt tốc độ tăng trưởng tốt với khoảng 5%.
Tuy nhiên bên cạnh những “điểm sáng”, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là về logistics – khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể là những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã đẩy giá vận chuyển đội lên rất nhiều.
Còn ngay ở trong nước, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông; từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là vấn đề vận chuyển hàng hóa ra các cảng để xuất đi các nước.
Theo đánh giá của ông Hải, nếu như trước đây dịch Covid-19 là yếu tố mà các quốc gia hầu như chưa tính toán đến thì bây giờ tất cả các kịch bản phát triển đều phải đưa ra những yếu tố tương tự – tức là những vấn đề có thể tiềm ẩn bất ổn không lường trước được như thiên tai, dịch bệnh, xung đột…
Ngoài ra hiện Việt Nam đã tham gia và có độ mở rất lớn trong quá trình hội nhập, chính vì vậy sự tương tác và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất nhập khẩu cũng sẽ có sự phụ thuộc lớn hơn từ các thị trường thế giới. “Khi cân nhắc những yếu tố trên, Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới ở mức 4-5%. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì đây là chỉ tiêu hợp lý để chúng ta phấn đấu hoàn thành trong thời gian tới” – ông Hải nhấn mạnh.
Về lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết năm 2020 có 3 FTA đi vào thực hiện và được ký kết gồm Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và Hiệp định UKVFTA. Trong đó Hiệp định EVFTA và RCEP là những hiệp định có quy mô rất lớn và cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ. Khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 thì ngay lập tức các số lượng các C/O mẫu EUR.1 là Form mẫu xuất khẩu đi EU đã tăng rất mạnh. Điều này cũng phần nào cho thấy các doanh nghiệp trong nước đã nắm bắt và khai thác được ngay lập tức các lợi thế từ Hiệp định này. “Tuy nhiên chúng ta cũng chứng kiến tác động của Covid-19 khiến một trong các khu vực chịu ảnh hưởng nhiều chính là khu vực thị trường châu Âu. Chúng ta cũng chứng kiến đến hết năm 2020 và đến thời điểm này thì xuất khẩu sang EU vẫn có được mức tăng trưởng tốt, không chỉ trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt đối với mặt hàng đồ gỗ cũng có sự gia tăng rất mạnh. Trong thời gian tới khi các FTA được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, khi mà các yếu tố về dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi cũng như việc đưa vaccine vào áp dụng đại trà, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng những tác động của các hiệp định này sẽ giúp cho hoạt động sản xuất – thương mại của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa” – Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Bảo Thành