Các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số của Trung Quốc phát triển nhờ COVID-19

Đại dịch COVID-19 là động lực thúc đẩy mà các công ty khởi nghiệp công nghệ chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc cần.

Các công ty cho biết tại đất nước 1,4 tỷ dân này, nhiều người từng quen với việc đi lại và chờ đợi hàng giờ để khám bác sĩ đang chuyển sang sử dụng các sản phẩm trực tuyến nhiều hơn. Chính phủ đang triển khai các hỗ trợ chính sách cần thiết cho chăm sóc sức khỏe dựa trên Internet. Và các nhà đầu tư đang đổ tiền vào lĩnh vực này.

Kitty Lee, người đứng đầu bộ phận khoa học đời sống và sức khỏe Châu Á Thái Bình Dương tại Oliver Wyman, cho biết trước khi bùng phát dịch COVID-19, phần lớn đầu tư vào công nghệ y tế ở Trung Quốc tập trung vào nghiên cứu khoa học để điều trị y tế.

Trong tương lai, bà hy vọng phần đầu tư tập trung vào chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng sẽ phát triển nhanh chóng hơn là công nghệ sinh học.

Theo CB Insights, trong quý II, nguồn tài trợ chăm sóc sức khỏe toàn cầu cho các công ty tư nhân đạt kỷ lục theo quý là 18,1 tỷ USD. Tài trợ chăm sóc sức khỏe ở châu Á tăng gần gấp đôi so với quý trước lên 5 tỷ USD và các giao dịch của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc đã phục hồi về mức trước khi COVID-19 xảy ra, phân tích cho thấy.

Xin Lijun, Giám đốc điều hành công ty chăm sóc sức khỏe JD Health, nói: “Toàn bộ ngành y tế Trung Quốc chỉ thực sự bắt đầu được phát triển sau khi đại dịch qua đi”. JD Health là một công ty con của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com và dự kiến ​​sẽ nhận được khoản đầu tư hơn 830 triệu USD trong quý này từ Hillhouse Capital.

Trong thời gian tồi tệ nhất của đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, JD Health đã cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí, thu hút khoảng 150.000 bệnh nhân trở lên mỗi ngày, những người sau đó nhận ra rằng họ không nhất thiết phải đến bệnh viện, ông Xin nói. Ông tuyên bố rằng trong vòng chưa đầy ba năm, công ty công nghệ sức khỏe của ông đã có thu nhập cao nhất so với các công ty cùng ngành ở Trung Quốc.

Hỗ trợ cấp cao hơn

Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường nỗ lực để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghệ y tế. Đáng chú ý là vào tháng 7, 13 cơ quan và bộ ngành lớn của quốc gia đã cùng công bố hỗ trợ phát triển các dịch vụ y tế trực tuyến, như một phần của kế hoạch rộng lớn hơn để thúc đẩy tiêu dùng và việc làm. Hôm thứ Tư, cuộc họp của Quốc vụ viện một lần nữa lưu ý tới sự cần thiết của việc mở rộng các phòng khám sức khỏe dựa trên nền tảng Internet.

Tang Bochen, phó chủ tịch tại công ty Qi’e XingRen, nói: “Thực sự sau giai đoạn nghiêm trọng của đại dịch …, chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đã đưa ra rất nhiều chính sách khác nhau để giúp các bệnh viện Internet. Những gì tôi thấy là hầu hết mọi thành phố, các bệnh viện công của họ hiện đang xây dựng một hệ thống bệnh viện internet để giúp bệnh nhân của họ (chuyển) từ ngoại tuyến sang trực tuyến.”

Ping An Good Doctor, một công ty con niêm yết tại Hồng Kông của gã khổng lồ bảo hiểm Ping An, đã báo cáo mức tăng trưởng hàng năm 26,7% so với cùng kỳ năm trước với lượt tư vấn trực tuyến trung bình hàng ngày lên 831.000 trong nửa đầu năm, với doanh thu từ dịch vụ y tế trực tuyến tăng gấp đôi, đạt mức 694,9 triệu nhân dân tệ (101,56 triệu USD). Số người dùng đã đăng ký tăng hơn 56 triệu lượt trong 12 tháng lên 346,2 triệu.

Alibaba Health được niêm yết tại Hồng Kông cho biết thông qua ứng dụng Alipay, công ty có hơn 15.000 tổ chức y tế đã ký hợp đồng, bao gồm gần 400 bệnh viện hạng III ở 17 tỉnh, được kết nối với dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế. Công ty cho biết trong quý đầu tiên, tổng số người dùng thực thường xuyên hoạt động của kênh chăm sóc sức khỏe Alipay đã vượt quá 390 triệu.

Linh Lan