Các công ty dầu khí cần chú trọng vấn đề khí hậu

Tương lai của Big Oil (các công ty dầu khí lớn nhất thế giới) có thể sẽ rất khác sau cuộc họp cổ đông quan trọng ở Mỹ và một quyết định pháp lý ở châu Âu.

Vào thứ Tư, ExxonMobil sẽ đối đầu với một nhà đầu tư Engine No. 1 đang tìm cách cải tổ chiến lược của công ty về tính bền vững. Trong khi đó, một tòa án Hà Lan sẽ ra phán quyết đối với một vụ kiện mang tính bước ngoặt chống lại Royal Dutch Shell khi các nhà hoạt động cố gắng buộc công ty phải hành động nhanh hơn để cắt giảm lượng khí thải. Điều đó có thể tạo nên một ngày quan trọng cho ngành công nghiệp dầu mỏ.

Andrew Logan, giám đốc cấp cao về dầu khí tại Ceres, một tổ chức phi lợi nhuận về tính bền vững, đã viết trên Twitter: “Cuối cùng, chúng ta đã đạt đến thời điểm khi một công ty không hành động để đối phó với biến đổi khí hậu có thể khiến một thành viên hội đồng mất việc”.

Engine No. 1 chỉ nắm giữ 0,02% cổ phần của Exxon, nhưng nó đặt ra một thách thức đáng tin cậy đối với công ty từng có giá trị nhất thế giới. Thất vọng với hiệu quả tài chính của Exxon và tác động của họ đối với vấn đề khí hậu, quỹ đầu cơ đang tìm cách phế truất bốn giám đốc tại cuộc họp thường niên của công ty. Nếu thành công, chiến dịch này có thể gây áp lực buộc Exxon phải thay đổi đáng kể chiến lược của mình bằng cách đa dạng hóa sang năng lượng tái tạo và giảm sản xuất dầu. Shell đã tiến xa hơn nhiều về vấn đề khí hậu so với Exxon, khi tuyên bố rằng họ đặt mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 – một mục tiêu bao gồm lượng khí thải từ các hoạt động của chính mình và từ các sản phẩm năng lượng mà họ bán. Nhưng một chiến thắng cho Friends of the Earth Hà Lan, nhóm vận động môi trường kiện Shell, có thể thúc đẩy những thay đổi lớn hơn nữa. Đây là lần đầu tiên một tòa án sẽ ra phán quyết về việc liệu một công ty có cần giảm lượng khí thải của mình phù hợp với các mục tiêu khí hậu toàn cầu hay không. Trong khi Shell tuyên bố rằng các mục tiêu phát thải carbon của họ phù hợp với Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C, Friends of the Earth Hà Lan lập luận rằng các khoản đầu tư liên tục của công ty vào khai thác dầu và khí đốt cho thấy họ không thực sự coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu. Phán quyết sẽ chỉ có hiệu lực pháp lý ở Hà Lan. Nhưng nó có thể mở ra cánh cửa cho những trường hợp tương tự ở các nước khác.

Được biết, các tòa án đang trở thành một địa điểm phổ biến cho các cuộc chiến về khí hậu. Theo cơ sở dữ liệu từ Trường Luật Columbia và Arnold & Porter, hiện có hơn 1.800 vụ việc đang được thụ lý thông qua các cơ sở pháp lý toàn cầu.

Việt Anh