Các chuyên gia kinh tế nói gì về việc Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ?
Ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, trong đó đưa ra nhận định Việt Nam cùng với Thụy Sĩ thuộc nhóm các nước “có hành vi thao túng tiền tệ”. Ngay lập tức vấn đề này trở thành chủ đề “nóng” tại các diễn đàn, nghị sự trong nước cũng như quốc tế….
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối ngày 22/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: “Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, điều hành chính sách tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế chứ không vì mục đích kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…”
Trên tinh thần đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí giao các Bộ, ban ngành Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giải quyết một cách toàn diện các vấn đề mà hai nước quan tâm, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, đôi bên cùng có lợi.
Theo các chuyên gia kinh tế, cần nhìn nhận đúng vấn đề của việc Hoa Kỳ gắn nhãn Việt Nam thao túng tiền tệ để tránh những phản ứng thái quá. Ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD là một trong ba yếu tố để Hoa Kỳ xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, bên cạnh thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP và can thiệp bằng ngoại tệ vượt quá 2% GDP. Tuy nhiên việc Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ chủ yếu đến từ cán cân thương mại có đặc trưng chi phí nhân công rẻ, thâm hụt lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên của Việt Nam. Mặt khác phần thặng dư không ngừng tăng lên trong các năm gần đây có thể là hệ quả không mong muốn từ chính sách cứng rắn của chính quyền Donald Trump với Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp phải di dời, tìm nguồn cung ứng mới tại các nước, trong đó có Việt Nam.
Còn ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội thì cho rằng Hoa Kỳ nên nhìn nhận việc nhập siêu từ Việt Nam như là một bằng chứng cho sự thành công của họ trong thực hiện chính sách đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở châu Á – Thái Bình Dương vốn được chính quyền của Tổng thống Trump khuyến khích. Thay vì trừng phạt, Washington nên đối thoại để thị trường Việt Nam mở cửa hơn cho hàng hóa và dịch vụ của mình.
Đồng quan điểm với ông Adam Sitkoff, bà Deborah Elms – Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á tại Singapore cho rằng việc Washington trừng phạt Việt Nam sẽ “gây ra những hậu quả kinh tế” nghiêm trọng mà đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên chính là các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam.
Trong khi đó tại Diễn đàn an ninh tài chính tiền tệ tổ chức tại Hà Nội ngày 24/12/2020, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) đã điểm danh 13 mặt hàng của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra cao khi có kết luận của phía Hoa Kỳ quanh vụ việc được gọi là “thao túng tiền tệ” này gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, đệm mút, tủ gỗ, đá nhân tạo, gạch men, lốp xe tải và xe khách, xe đạp điện, ống đồng, khớp nối bằng thép, bánh xe thép, thép tiền chế, vỏ bình ga, ghim đóng thùng. Ông Thành cho rằng việc Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam dự trữ quá nhiều ngoại tệ để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là không xác đáng bởi cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có tính chất cơ cấu, chứ không phải là tiền tệ. Cụ thể hơn sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam và Hoa Kỳ bắt nguồn từ mô thức của chuỗi giá trị toàn cầu, không thuần túy phụ thuộc vào giá trị tiền tệ bởi Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu, có xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đông Nam Á, sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu.
Nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu tích lũy dự trữ ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh toán bền vững và ổn định giá tỷ giá nhằm củng cố quá trình hội nhập, TS.Nguyễn Đức Thành cũng đồng thời bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối. Vị chuyên gia này cho rằng việc rà soát dư cán cân vãng lai (tổng thể) có thể là một vấn đề để thảo luận thêm, và cần lưu ý khuynh hướng dài hạn. Việt Nam đã và đang tích cực cân đối thương mại với Hoa Kỳ thông qua việc mua hàng tư bản (như máy bay) và năng lượng (khí hóa lỏng) quy mô lớn. “Thực tế chúng ta không có nhu cầu nhập khẩu nhiều từ Hoa Kỳ, mà chúng ta nhập nhiều từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, vì các nước này gần hơn, giá cả phù hợp hơn… Nhưng nếu chúng ta có những cải thiện như trên tôi nghĩ rằng sẽ giúp tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ một cách ổn định, từ đó cân đối thương mại với Hoa Kỳ” – Giám đốc VESS khuyến nghị.
Cũng tại Diễn đàn, chuyên gia kinh tế – TS.Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định hiện nay quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang rất tốt đẹp. Về mặt lợi ích chiến lược, Hoa Kỳ không có lợi ích nào nếu “gây khó” cho Việt Nam vì hiện nay đối thủ thương mại chiến lược của Hoa Kỳ vốn không phải Việt Nam. Đó là lý do ông Doanh khuyến nghị Việt Nam nên có những chính sách ngoại giao phù hợp để tháo gỡ vấn đề này.
Linh Lan