5 lợi thế giúp Việt Nam chuyển mình trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Seeking Alpha (Hoa Kỳ) – một trong những website về tài chính uy tín trên thế giới vừa liệt kê 5 lợi thế quan trọng giúp Việt Nam hội tụ đủ các tiềm năng trở thành công xưởng sản xuất của thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á

Dù không quá lớn song quy mô nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 350 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó quy mô nền kinh tế Indonesia vào khoảng 1.100 tỷ USD; Thái Lan 500 tỷ USD; Philippines, Malaysia và Singapore khoảng 350 tỷ USD

Nền kinh tế đa dạng, độ rủi ro thấp

So với một số nước láng giềng, Việt Nam có nền kinh tế đa dạng hơn: sản xuất hàng dệt may, giày dép (Nike, Adidas); linh kiện điện tử (Lenovo); ôtô (Ford Motor, VinFast…); độ rủi ro của nền kinh tế cũng thấp hơn

Trong khi đó nền kinh tế Malaysia quá phụ thuộc vào dầu khí, chiếm gần 16% kim ngạch xuất khẩu; Brunei có gần 90% kim ngạch xuất khẩu liên quan đến dầu mỏ; Indonesia có hơn 25% xuất khẩu liên quan đến dầu và than; Campuchia có nền kinh tế quá nhỏ và chỉ tập trung vào sản xuất dệt may.

Sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định mặc dù hoạt động kinh tế của Việt Nam năm 2020 có sự sụt giảm đáng kể song sẽ sớm phục hồi tăng trưởng trong năm 2021. Báo cáo cũng đồng thời chỉ ra sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam cả trên phương diện tăng trưởng, thâm hụt tài khoản vãng lai lẫn số lượng việc làm. Nền kinh tế đa dạng là một trong những yếu tố giúp Việt Nam chống đỡ lại sự suy giảm kinh tế do Covid-19 và giữ mức tăng trưởng ổn định như dự báo của IMF.

Việc nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định cũng được chỉ ra trong một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới (WB). Cụ thể theo WB, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,8% và cả năm 2020 ước đạt 2,8%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng trong năm nay thấp hơn nhiều so với dự báo trước khủng hoảng (6-7%) song Việt Nam vẫn là một trong số ít nước trên thế giới được dự báo không suy thoái

Chi phí nhân công rẻ

Hiện tại nếu so sánh với hầu hết các quốc gia lân cận, có thể thấy mức lương trung bình của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều, dao động ở mức 5,5 USD/giờ. Cũng chính nhờ tận dụng hiệu quả quy trình sản xuất và nguồn lao động giá rẻ đã giúp Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc kinh tế và Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào lợi thế này.

Dân số “vàng”, môi trường kinh doanh cải thiện tích cực

Hiện Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng (chi 5,7% GDP – mức chi cao nhất trong khu vực để cải thiện hạ tầng) và trong tương lai nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm này sẽ còn nhiều hơn nữa.

Ngoài ra Việt Nam đang trong thời kỳ dân số “vàng” khi có đến hơn 70% dân số dưới 35 tuổi. Tính đến cuối năm 2019, dân số Việt Nam vào khoảng 100 triệu người, trong đó có khoảng 13% số dân thuộc tầng lớp trung lưu và dự kiến đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, khoảng 26%. Tầng lớp trung lưu tăng nhanh sẽ là động lực thúc đẩy thị trường tiêu dùng tăng trưởng ở mức cao hơn trung bình 6% như hiện nay. Sự bùng nổ về chi tiêu sẽ góp phần thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam

Thêm vào đó trong 1 thập kỷ qua Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện tích cực, từ thứ hạng 98 trong năm 2011 đã vươn lên hạng 70 trong năm 2020. Với Việt Nam, những lĩnh vực được WB đánh giá có cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Vay vốn và Nộp thuế. Hầu hết lĩnh vực đều tăng điểm so với năm ngoái, trong đó có thứ hạng cao nhất là Xin giấy phép xây dựng (xếp thứ 25), thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (122). Với định hướng đầu tư mạnh cho hạ tầng, cải cách hành chính và nguồn nhân lực, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục có sự cải thiện và vươn lên lọt Top 50 trong vài năm tới.

Minh Anh